Hà Nội chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5
Ngày 20-6, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, thành phố đã tiến hành giải trình tự gen 260 mẫu bệnh phẩm dương tính với SARS-CoV-2 tại cộng đồng và hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5.
Theo đó, từ tháng 2-2022 đến nay, Hà Nội đã tiến hành giải trình tự gen 260 mẫu bệnh phẩm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 tại cộng đồng, trong đó, biến thể Omicron hiện vẫn là biến thể chủ đạo. Cụ thể, tại 30/30 quận, huyện, thị xã đã phát hiện 256/260 mẫu (chiếm tỷ lệ 98,5%) nhiễm biến thể Omicron; còn lại 4/260 mẫu (chiếm tỷ lệ 1,5%) nhiễm biến thể Delta.
Đối với biến thể Omicron, dòng BA.2 chiếm ưu thế với 148/256 mẫu (57,8%); còn lại BA.2.3 (79 trường hợp, chiếm 30,8%); BA.2.3.2 (17 trường hợp, chiếm 6,6%); BA.1 (5 trường hợp, chiếm 2%); BA.1.1 (5 trường hợp, chiếm 2%), BA2.1 (1 trường hợp, chiếm 0,4% ); BA.2.17 (1 trường hợp, chiếm 0,4%). Hiện chưa ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4 và BA.5.
Trước đó, ngày 13-6, Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây. Trong đó, tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
ECDC cảnh báo, 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 trong thời gian tới. Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc bệnh, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.
Còn theo nhận định của Bộ Y tế, biến thể phụ BA.5 đã ghi nhận ở nhiều quốc gia có nguy cơ xâm nhập vào nước ta và có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc Covid-19 thời gian tới.
Mặc dù hiện nay, Omicron là biến chủng phổ biến trên thế giới nhưng vẫn chưa phải là biến chủng cuối cùng. Chính vì vậy, Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng. Từ đó, xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2023.
Cũng theo Bộ Y tế, nền tảng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn là vắc xin. Chính vì vậy, các địa phương phải hoàn thành tiêm mũi 3 cho người trên 18 tuổi và tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II-2022. Đối với tiêm mũi 4, các địa phương phải tổ chức triển khai tiêm ngay cho các đối tượng theo hướng dẫn.