Hà Nội: Chưa phát hiện hành vi găm hàng xăng, dầu

Tình trạng một số cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội hoạt động cầm chừng những ngày gần đây là do thiếu hụt nguồn cung từ đầu mối. Khảo sát thực tế của lực lượng quản lý thị trường cho thấy, chưa phát hiện hành vi găm giữ hàng, hạn chế bán hàng vì mục đích đầu cơ.

Nhiều cây xăng hết hàng, bán cầm chừng

Trong sáng và trưa ngày 1/11, nhóm phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã khảo sát tại nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn các quận, huyện: Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Gia Lâm...

Ghi nhận thực tế cho thấy, bên cạnh nhiều cây xăng hoạt động ổn định thì cũng không ít cây xăng hoạt động cầm chừng. Đáng nói, ngay từ chiều 31/10, một số cửa hàng xăng dầu đã phải nghỉ bán hàng toàn bộ, hoặc nghỉ bán xăng chỉ bán dầu vì nguồn cung thiếu hụt.

Tại cây xăng PVOIL, số 350 Kim Giang (quận Thanh Xuân) các trụ bơm xăng được bố trí đầy đủ nhân viên, khách hàng không phải đợi quá lâu để mua được xăng. Tuy nhiên, nhân viên chỉ bán tối đa 50.000 đồng cho mỗi khách hàng, không bán kiểu đổ đầy bình như bình thường.

Tại cửa hàng xăng dầu số 48 Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) từ sáng sớm nay (1/11) đã dựng rào chắn kèm biển nghỉ bán hàng. Một số khách quen tại cây xăng này chia sẻ, tình trạng treo biển hết xăng chỉ mới xảy ra một vài ngày gần đây và tùy từng thời điểm. Khi khách hàng hỏi bao giờ cửa hàng có xăng thì chỉ nhận được câu trả lời ngắn gọn từ nhân viên là “2 xe téc nằm dưới Hải Phòng chưa nhập được hàng”.

Cửa hàng xăng dầu số 48 Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) dựng rào chắn kèm biển nghỉ bán hàng từ sáng nay 1/11. Ảnh: Khắc Kiên

Cửa hàng xăng dầu số 48 Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) dựng rào chắn kèm biển nghỉ bán hàng từ sáng nay 1/11. Ảnh: Khắc Kiên

Cùng thời điểm, cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) sáng nay cũng nghỉ bán cả xăng lẫn dầu. Cùng với treo biển thông báo, dựng rào chắn, nhân viên phải ra đứng sát lề đường để hướng dẫn chủ phương tiện giao thông quay đầu vì cây xăng tạm thời hết hàng. Nhân viên cửa hàng cho biết, hiện xe bồn của công ty đang xếp hàng chờ lấy hàng bên tổng kho xăng dầu Đức Giang (kho xăng dầu của Petrolimex).

Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) treo biển hết cả xăng lẫn dầu sáng 1/11. Ảnh: Khắc Kiên

Cửa hàng xăng dầu MyPetrol 1 của Công ty TNHH Đầu tư Chương Dương trên đường Nguyễn Văn Linh (quận Long Biên) treo biển hết cả xăng lẫn dầu sáng 1/11. Ảnh: Khắc Kiên

Cũng trong sáng 1/11, phóng viên có mặt tại tổng kho xăng dầu Đức Giang, ghi nhận cảnh tượng hàng đoàn xe bồn xếp hàng dài đợi đến lượt nhập hàng. Một nhân viên kho xăng chia sẻ, lý do khan hàng là từ đầu nguồn, nếu tổng kho còn hàng sẽ cấp theo lịch cho các đơn vị chứ không chậm trễ. Đây chỉ là kho trung chuyển, có hàng về là công nhân làm ngày làm đêm, nhưng do còn nhiều khâu kỹ thuật, kiểm tra hàng đảm bảo an toàn, chất lượng mới xuất được.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các cây xăng bán cầm chừng chủ yếu là do nguồn cung. Qua kiểm tra cho thấy, không có tình trạng găm hàng, đa phần là do nguồn cung nên DN không còn xăng để bán cho người tiêu dùng.

Các đội của Cục đều đang giám sát chặt chẽ. Với những cây xăng báo hết hàng, lực lượng QLTT tiến hành đo tại các bể thì thực sự là không còn xăng, nên phải chờ nơi khác chở về. Các cây xăng khi hết xăng sẽ báo lực lượng chức năng tới đo bể để giám sát, khi xác định cửa hàng không còn xăng mới cho phép nghỉ để chờ nhập hàng.

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty CP Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Lê Nam

Lực lượng QLTT Hà Nội kiểm tra cửa hàng xăng dầu số 2 của Công ty CP Nam Hồng (huyện Đông Anh). Ảnh: Lê Nam

Ông Chu Xuân Kiên cũng cho biết thêm, tại một số cửa hàng ở khu vực nội thành, đông dân cư, gần đây lượng khách tăng đột biến nên sản lượng bán ra tăng, dẫn đến có những thời điểm hết hàng, phải tạm ngừng bán để chờ nhập hàng. Cụ thể, có 6 cửa hàng tạm dừng bán hàng hoặc thông báo hết xăng, chỉ bán dầu trong 2 ngày 30 - 31/10.

DN gặp khó khăn về nguồn hàng và chiết khấu

Thực tế hoạt động kinh doanh bán lẻ xăng dầu đang gặp nhiều khó khăn về nguồn hàng và mức chiết khấu. Cụ thể, hiện nay đơn vị đầu mối, thương nhân phân phối đang thực hiện cấp hàng theo tiến độ cho các cửa hàng bán lẻ (chỉ cấp hàng đủ sản lượng bán ra trong khoảng 1 tuần), nên lượng xăng dầu dự trữ thường xuyên tại các cửa hàng xăng dầu là rất ít. Một số chủ DN bán lẻ xăng dầu cũng phản ánh, chiết khấu do đầu mối để cho đại lý có thời điểm bằng 0, cộng thêm các chi phí nhân công, vận chuyển… khiến DN đang chịu lỗ kéo dài.

Thông tin về tình hình kinh doanh và nguồn cung xăng dầu của Hà Nội, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn TP bình quân 1 tháng khoảng 146.500m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.500m3, dầu khoảng 48.750m3.

Nhiều cây xăng tại Hà Nội trong tình trạng quá tải, người dân xếp hàng dài đợi đổ xăng. Ảnh: Khắc Kiên

Nhiều cây xăng tại Hà Nội trong tình trạng quá tải, người dân xếp hàng dài đợi đổ xăng. Ảnh: Khắc Kiên

Hiện nay, 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các DN đầu mối và công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ những thương nhân phân phối. Qua kiểm tra, khảo sát, hiện tại, mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu có 493 cửa hàng, trong số này có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng hoạt động kinh doanh. Nguyên nhân là do hết hợp đồng thuê mặt bằng, đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị khác, đang giải quyết tranh chấp… nên không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Báo cáo của những DN quản lý cửa hàng xăng dầu cho thấy, thời điểm các cửa hàng đóng cửa do tạm thời hết hàng hoặc thông báo hết xăng, chỉ bán mặt hàng dầu và những DN này đã thông báo cho đơn vị cấp hàng để đặt hàng. Tuy nhiên, DN bán lẻ xăng dầu báo cáo lượng hàng nhập về không nhiều, do việc lấy hàng tại kho của các đầu mối gặp nhiều khó khăn.

DN đầu mối thông báo không có hàng, xe sitec xếp hàng từ 7 - 8 tiếng tại các kho hàng để chờ lấy xăng dầu, chủ yếu phải lấy hàng tại những tỉnh khác như: Kho Đình Vũ (Hải Phòng), kho B12 (Quảng Ninh), kho K99 (Hải Dương)… Ngoài ra, DN phân phối, bán lẻ đang chịu lỗ kéo dài, không còn vốn để nhập nhiều hàng, chỉ nhập ít hàng để đảm bảo mở cửa kinh doanh theo đúng quy định.

Thay đổi cách thức định giá, hỗ trợ khi giá xăng giảm

Đánh giá về điều hành thị trường xăng dầu, TS Nguyễn Đình Cung - Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, việc thiếu xăng, dầu chưa bao giờ gặp tình trạng kéo dài như thế này trong thực tế.

“Theo tôi đó là do giá xăng bị kiểm soát quá mức, quá bất hợp lý đến mức, người kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, dẫn đến những bất thường như hiện nay. Vậy nên bây giờ cần thay đổi cách thức định giá cho hợp lý thì nguồn xăng sẽ trở lại bình thường, từ đó sẽ ổn định được công việc kinh doanh của các cây xăng tư nhân. Như vậy, trách nhiệm trước hết là thuộc về Bộ Tài chính” - TS Nguyễn Đình Cung khuyến nghị.

Bộ Tài chính và Bộ Công thương đều thuộc Chính phủ nên cần phối hợp với nhau để giải quyết, nhưng lại đang có những bất đồng và “đá quả bóng” trách nhiệm cho nhau. Bài toán theo nghĩa mặt kỹ thuật, kinh tế là chúng ta đủ công cụ để giải quyết, chỉ có điều chúng ta phải ngồi lại với nhau, thảo luận cùng nhau.

PGS. TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Còn theo PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện tại cơ quan quản lý đang điều chỉnh giá xăng, dầu 10 ngày một lần và khả năng điều chỉnh của thị trường như thế nào đều thấy rất rõ. Tất nhiên kinh doanh có điều kiện thì phải có những điều ràng buộc, nhưng trong điều hành kèm theo các điều kiện về tài chính, với cửa hàng kinh doanh xăng phải đảm bảo cân đối thu - chi, thiệt quá thì DN không chịu được.

“Điều các DN cần lúc này là có cam kết giá xăng tăng bao nhiêu, phải có điều kiện hỗ trợ để đảm bảo kinh doanh không bị lỗ kéo dài. Đồng thời, phải có những hỗ trợ khi giá xăng giảm hơn so với mức thu mua. Theo tôi, nguyên nhân khiến khan nguồn cung, hết xăng là góc độ nghiêng nhiều về tài chính hơn là tổ chức hệ thống” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhận định.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 4515/KH-SCT về phục vụ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023.

Trong đó, chỉ đạo các DN kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có kế hoạch về nguồn cung, không găm hàng, bán đúng giá niêm yết, mở cửa hàng theo đúng thời gian quy định góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trên địa bàn TP nhằm đảm bảo sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng sẽ phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động của DN, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định trong kinh doanh xăng dầu.

Lê Nam - Khắc Kiên - Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-chua-phat-hien-hanh-vi-gam-hang-xang-dau.html