Hà Nội: Chưa xử lý dứt điểm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Tại Hà Nội, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả, chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa; công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm...
Ngày 12/11, Đoàn công tác Trung ương do ông Cao Đức Phát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường" đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động của biến đổi khí hậu. Với kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động trong những năm qua, thành phố Hà Nội cần đưa ra những ý kiến, kiến nghị thiết thực để Ban Chỉ đạo tập hợp, đề xuất Bộ Chính trị chỉ đạo triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường một cách hiệu quả hơn.
Theo UBND thành phố Hà Nội, thời gian qua, nhận thức, ý thức và trách nhiệm của người dân Thủ đô trong công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên đã được nâng cao. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị gắn với bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; tăng cường kiểm tra, thanh tra phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; hoàn thành việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và quan tâm, chú trọng công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng môi trường…
Ông Nguyễn Trọng Đông, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, từ năm 2013-2018, mức phát thải khí nhà kính trên địa bàn thành phố đã giảm từ 8-10% trên đơn vị GDP so với năm 2010; tỷ lệ che phủ rừng đảm bảo đạt 7,5%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải nguy hại đạt 90%, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải y tế đạt 100%; tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị của 12 quận và thị xã Sơn Tây đạt 98%, của 17 huyện ngoại thành đạt 89%. Đặc biệt, 100% dân cư đô thị, gần 55% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; diện tích cây xanh đô thị đạt 10-12 m2/người theo quy hoạch…
Tuy nhiên, công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai vẫn chủ yếu tập trung vào ứng phó và khắc phục hậu quả, chưa chú trọng đúng mức đến chủ động phòng ngừa; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, một số chỉ tiêu trong nhóm đất phi nông nghiệp đạt tỷ lệ chưa cao; công tác kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được tăng cường, chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa xử lý dứt điểm...
Bên cạnh đó, trên địa bàn một số quận, huyện vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý, chưa quyết liệt trong công tác ngăn chặn, xử lý, còn xảy ra các hoạt động tập kết, kinh doanh, khai thác cát trái phép. Nhận thức của nhiều tổ chức, người dân về quản lý tài nguyên nước còn nhiều hạn chế, hoặc cố ý làm trái pháp luật. Một số doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc, thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường nhưng chưa được xử lý dứt điểm, còn phát sinh thêm cơ sở mới...
Xuất phát từ những khó khăn, hạn chế trên, UBND thành phố Hà Nội đề xuất với Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ban hành các chính sách cụ thể để khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, hỗ trợ giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, khuyến khích xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng; bổ sung thêm các quy định quản lý đặc thù riêng đối với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề.
Đồng thời, Hà Nội kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ kinh phí, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật xử lý môi trường cho các tỉnh, thành phố để thực hiện các dự án về thích ứng với biến đổi khí hậu, dự án xử lý chất thải và khắc phục triệt để ô nhiễm môi trường tại các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thành phố đề nghị Trung ương hướng dẫn xây dựng trung tâm tích hợp, xử lý thông tin, dữ liệu và điều hành mạng lưới quan trắc môi trường cấp tỉnh, phù hợp với mạng lưới quốc gia và các quy chuẩn môi trường hiện hành.