Hà Nội chuẩn bị cho học sinh quay lại trường: Ứng phó với COVID-19
Các trường học tại Hà Nội đang hối hả chuẩn bị cơ sở, mua thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy... để ứng phó với các tình huống bất thường khi cho học sinh quay lại trường.
Trước đó, UBND TP Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2.
Giáo viên chưa tiêm đủ không được dạy trực tiếp
Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn yêu cầu các địa phương quyết liệt, nhanh chóng mở cửa trường học cho học sinh từ lớp 7 đến lớp12 quay trở lại trường học, TP Hà Nội đã thống nhất với đề xuất mở cửa trường THCS - THPT từ ngày 8/2. Theo đó, Hà Nội cho phép học sinh lớp từ 7 đến lớp 12 tới trường học trực tiếp. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 học trực tuyến, trẻ mầm non tiếp tục nghỉ ở nhà.
Trường học tại Hà Nội diễn tập các tình huống chuẩn bị đón học sinh lớp 7-12 đi học. Ảnh: Trọng Tài
Tuy nhiên, theo phương án được phê duyệt, học sinh chỉ trở lại trường học trực tiếp ở địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2. Các địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến.
Hà Nội cũng yêu cầu giáo viên chưa tiêm đủ vắc xin phòng chống COVID-19 theo quy định chỉ dạy học trực tuyến, không được đến lớp dạy trực tiếp; các trường học không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường, chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày. Hà Nội giao các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình, diễn biến dịch tại các địa phương để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn.
Không cách li tập trung F1
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, đến nay tỉ lệ tiêm vắc xin cho cán bộ, giáo viên học sinh cả mũi 1 và mũi 2 đạt tỉ lệ rất cao (trên 97%). Để các trường chuẩn bị kỹ các phương án, điều kiện đón học sinh đi học sau Tết Nguyên đán, các trường học đều diễn tập tình huống như: phân luồng đón học sinh giãn cách; đo thân nhiệt; xử lý khi phát hiện F0; nghi ngờ có F0…
Chiều qua (24/1), tại các trường THCS Lê Quý Đôn (Hà Đông); THCS Đại Vương (Mê Linh); THPT Việt Đức (Hoàn Kiếm); THPT Đan Phượng (Đan Phượng)… các Phòng GD&ĐT diễn tập xử lý các tình huống phát sinh khi học sinh đi học.
Theo hướng dẫn mới nhất của ngành Y tế trong việc đón học sinh tới trường, khi phát hiện học sinh có biểu hiện ho, sốt, mỏi mệt, mất vị giác, khứu giác nghi nhiễm COVID-19, giáo viên tạm dừng việc giảng dạy, tạm thời cách ly học sinh tại chỗ và báo cáo BGH nhà trường. BGH chỉ đạo cán bộ Y tế trường đưa học sinh về phòng cách ly tạm thời được bố trí sẵn lấy mẫu xét nghiệm xác định đối tượng F (hoặc điều tra dịch tễ nếu đã xác định thông tin học sinh là F0). Thực hiện xác định các đối tượng có tiếp xúc gần với F0 trong lớp học để đánh giá nguy cơ. Tổ chức thực hiện khử khuẩn lớp học và những nơi học sinh có tiếp xúc theo quy định. Tuy nhiên, học sinh F1 liên quan sẽ không phải cách li tập trung.
Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết giáo viên được cắt cử đến trường tổng vệ sinh lại các phòng học, kiểm tra hệ thống máy chiếu, đèn điện, quạt trần… đảm bảo lớp học, sân trường sạch đẹp trước khi nghỉ Tết. Các phòng học sau khi khử khuẩn, làm sạch được niêm phong.
Nhà trường được yêu cầu chuẩn bị 2 phòng y tế, trong đó 1 phòng dành cho những học sinh cần chăm sóc y tế mà không có dấu hiệu dịch và phòng cách ly y tế tạm thời dành cho những học sinh có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, nghi nhiễm bệnh. Trường cũng sẽ chuẩn bị một số phòng học lắp thiết bị để có thể kết hợp dạy trực tuyến và trực tiếp trong trường hợp lớp có học sinh F1, F0 . “Nhà trường lo lắng sau một thời gian dài nghỉ học, một số em sẽ có tâm lý ngại đến trường. Do đó, từ các giờ học trực tuyến cuối năm, giáo viên đã thông báo, làm công tác tư tưởng để học sinh sẵn sàng đi học cũng như đảm bảo an toàn giao thông.”, bà Hiền nói.
Theo bà Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng - mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn.
Trưởng phòng GD&ĐT Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho biết các trường đã chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất để đón học sinh. Lần này, phòng Y tế được yêu cầu bổ sung thêm test nhanh, máy đo nồng độ ô xy… Khi phát hiện trường hợp nghi nhiễm, phòng y tế sẽ test nhanh để có biện pháp xử lý nhanh nhất.
Cũng theo bà Hằng, phương án cho học sinh ở vùng có dịch cấp độ 1-2 đi học, cấp độ 3-4 học trực tuyến có thể là tạm thời để đánh giá tình hình dịch. Đến nay, các trường đã sẵn sàng “đóng - mở” cửa bất cứ khi nào nên không quá gây xáo trộn. Thậm chí, các trường được yêu cầu chuẩn bị các tình huống như: tuần này học trực tiếp, tuần sau chuyển trực tuyến; trong một trường chỉ có một số lớp học trực tiếp, một số lớp trực tuyến, thậm chí trong 1 lớp học sinh F1, F0 học trực tuyến các bạn vẫn học trực tiếp.