Hà Nội: Chuẩn bị tổng kết phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Công văn số 4800-KGVX, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn tổng kết Đề án 'Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030'.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ trong đề án, tiến hành tổng kết và xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện đề án. Nội dung báo cáo cần tập trung: Đánh giá công tác tham mưu, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện đề án; kết quả đạt được, mức độ thực hiện các chỉ tiêu đề ra so với chỉ tiêu của đề án và chỉ tiêu của bộ, ngành, địa phương; khó khăn, hạn chế, nguyên nhân khách quan và chủ quan trong quá trình triển khai thực hiện đề án; đề xuất, kiến nghị, giải pháp và sáng kiến cụ thể để phát huy thành công, khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện đề án trong những năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án trong giai đoạn tiếp theo; giới thiệu và biểu dương, tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc có đóng góp tích cực cho phát triển văn hóa đọc cộng đồng.
Các tập thể, cá nhân thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong triển khai thực hiện Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15-3-2017 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch phát triển văn hóa đọc hằng năm của UBND thành phố Hà Nội sẽ được khen thưởng: Bằng khen của UBND thành phố Hà Nội (10 tập thể và 15 cá nhân).
Đối với tập thể được khen thưởng: Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, nội bộ đoàn kết; có thành tích xuất sắc trong việc triển khai thực hiện đề án.
Đối với cá nhân: Gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có thành tích xuất sắc trong công tác tổ chức triển khai thực hiện đề án tại địa phương, đơn vị; có sáng kiến tổ chức hoặc triển khai, nhân rộng các mô hình phát triển văn hóa đọc, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, được xã hội công nhận bằng những việc làm cụ thể; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc của các bộ, ngành, địa phương; nhiệt tình, sáng tạo trong việc khuyến khích và phát triển phong trào đọc, hướng dẫn kỹ năng đọc, gắn kết việc đọc với công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu.