Hà Nội: Chuyện cũ, chuyện mới (Kỳ 4): Chuyện biển tên phố, biển số nhà: Từ Paris đến Hà Nội
Việc đặt tên phố ở Hà Nội ra sao thế nào cũng gây không ít thắc mắc. Xin được chia sẻ một số thông tin về chuyện biển tên phố, biển số nhà ở Paris (Pháp) và Hà Nội mà tôi biết.
Những năm gần đây việc đặt tên phố ở Hà Nội do Hội đồng nhân dân thành phố Hà nội trong các cuộc họp định kỳ thông qua. Việc đặt tên phố ra sao thế nào cũng gây không ít thắc mắc! Ví dụ như vụ đặt tên phố mang tên nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô thế nào mà gia đình Cụ ấy không đồng ý, “trả lại phố”! Rút lại tên, rồi phải tìm phố khác!
Nhân đây tôi xin chia sẻ với các bạn chuyện biển tên phố, biển số nhà ở Paris (Pháp) và Hà Nội mà tôi biết.
Từ cách đánh số nhà ở Paris…
Văn minh như nước Pháp thì cũng phải tới năm 1728, các con phố Paris mới được gắn biển tên. Nhưng đến đầu thế kỷ XIX, dưới triều hoàng đế Napoléon I thì biển tên phố mới thực sự phổ biến ở Paris : các tấm biển bằng sắt sơn chữ trắng trên nền đen được làm bằng tiền do chính quyền thành phố cấp.
Vào năm 1844, do những biển tên cũ bị mờ, không còn đọc rõ chữ, thì ông Rambuteau - tỉnh tưởng tỉnh Seine (nay thuộc Paris) ra lệnh thay biển tên phố.
Bắt đầu từ thời điểm này, theo quy định mới, biển tên phố làm bằng sứ tráng men với chữ trắng trên nền xanh lam thẫm và viền xanh lá cây. Lần gần đây nhất Paris ra quy định về mẫu biển tên phố là vào năm 1938 với quy định rất chi tiết, cụ thể: biển tên phố làm bằng tôn, có bề ngang 70-100cm, chiều cao 35-50cm, chữ trắng trên nền xanh lam thẫm, viền xanh lá cây rộng 3,5cm.
Có lẽ người Pháp đã “phổ biến” khuôn mẫu này sang các thuộc địa nên các biển tên đường phỗ của Hà Nội từ thời Pháp thuộc cũng làm bằng tôn, kích thước cũng tương tự và chữ trắng trên nền xanh lam. Và hiện nay không chỉ Hà Nội mà các tỉnh thành khác vẫn đang áp dụng.
Phải đến thời vua Louis XVI (trị vì từ 1774-1792), để thuận tiện cho chính quyền kiểm soát việc xây dựng trái phép và việc buôn bán của các thương gia, các khu nhà ở Paris bắt đầu được đánh số.
Nhưng phải tới tận đầu thế kỷ XIX, vào năm 1805, dưới thời hoàng đế Napoléon I, cách đánh số nhà chẵn - lẻ như hiện nay mới được đưa vào quy định. Khi đó Paris đã có tới 1.337 con phố. Vậy nhà cửa được đánh số theo hướng nào?
Nhà chức trách ở Paris áp dụng nguyên tắc cơ bản là lấy sông Seine làm mốc. Ngay vào thời đó các nhà quy hoạch thấy sông Seine chảy qua Paris là mốc định vị lý tưởng.
Đối với những con phố chạy dọc theo sông Seine, số nhà được đánh theo chiều từ đông sang tây, xuôi dòng nước, hay nói cách khác, đoạn đầu phố bao giờ cũng nằm ở thượng nguồn sông Seine, đoạn cuối phố nằm ở hạ nguồn.
Còn đối với những con phố chạy chéo hay vuông góc với sông Seine, số nhà đầu tiên được đánh từ đoạn phố nằm gần sông nhất trở đi. Số nhà cuối cùng nằm xa sông Seine nhất.
Về cách đánh số chẵn - lẻ, cho dù con phố tỏa ra theo hướng nào thì tính từ đầu phố tới cuối phố, nhà số lẻ luôn nằm bên tay trái, nhà số chẵn nằm bên tay phải. Theo sắc lệnh của hoàng đế Napoléon I, trên cửa chính của một ngôi nhà hay một tòa nhà chỉ được ghi một số nhà duy nhất.
…đến cách đánh số nhà ở Hà Nội
Người Pháp cũng “bê” kiểu đánh số nhà từ Paris sang Hà Nội. Paris của nước Pháp có sông Seine thì Hà Nội có sông Hồng, Đâu có thua kém. Hà Nội lúc ấy phố xá chủ yếu nằm một bên của bờ sông Hồng.
Thế là tất cả các phố nếu chạy từ sông Hồng vào thì phía bờ sông Hồng là đầu phố, số nhỏ, số cứ tăng dần lên khi vào bên trong. Theo chiều số tăng dần thì chẵn bên phải, lẻ bên trái. Mọi người có thể kiểm chứng việc này ở các phố “Tây” như phố Trần Hưng Đạo, phố Lý Thường Kiệt, phố Hai Bà Trưng… Các phố đó số nhà bắt đầu từ phía bờ sông, số lớn ở khu vực gần ga Hà Nội…
Ngã tư Hàng Ngang- Hàng Đường – Hàng Buồm - Lãn Ông với biển tên phố bây giờ.
Ngoài sông Hồng làm “mốc định vị” để đánh số nhà, Hà Nội còn có một “mốc định vị số nhà” rất quan trọng khác đó là Hồ Hoàn Kiếm. Đối với các phố chạy từ trung tâm ra (lấy nhà “dây thép” Bờ Hồ làm chuẩn) thì đầu phố là gần Bờ Hồ, số nhỏ, càng ra xa số càng lớn, và cũng theo chiều số tăng dần thì số chẵn bên phải, lẻ bên trái. Phố Hàng Bài, Phố Huế là ví dụ: Số nhỏ gần Bờ Hồ, xuôi ra xa Trung tâm thì số nhà lớn dần…
Các phố cũng “ăn” ra Bờ Hồ, nhưng chạy từ phía bắc rồi mới thông ra đây là phía nam, thì số đánh ngược lại: đầu phố, số nhỏ là phía bắc, cuối phố, số lớn là phía nam; cũng theo chiều lớn dần của số nhà thì vẫn tuân thủ “Chẵn bên Phải”, “Lẻ bên Trái”. Trục Đồng Xuân, Hàng Đường, Hàng Ngang, Hàng Đào là một ví dụ của các con phố chạy từ hướng bắc về hướng nam ra Bờ Hồ. Các phố trên trục Đồng Xuân – Hàng Đào này các nhà càng gần Bờ Hồ thì số càng to. Đi trên trục phố này để ra Bờ Hồ thì số lẻ bao giờ cũng bên trái, số chẵn bên phải.
Ấy là quy tắc chung các phố ở Hà Nội kể từ “thời Tây” đánh số nhà như thế. Nhưng Hà Nội cũng có một số phố đánh không theo quy luật này. Tôi chỉ nói các phố đánh số từ thời “Tây” thôi, chứ các phố mới hình thành bây giờ đánh số như thế nào thì các bạn đã biết rồi đấy! Tôi xin “bó tay”!
Một trong các phố kiểu đó là phố Đội Cấn. Thời Pháp thuộc nó được gọi là Route du Champ de Courses, dân ta quen gọi là đường Quần Ngựa vì nó dẫn tới trường đua ngựa. Ngôi nhà to nhất có sớm nhất ở đường này là Nhà thờ Liễu Giai (nay là khách sạn La Thành), xây năm 1926.
Phố Đội Cấn đánh số rất kỳ lạ. Đầu phố là phía chợ Ngọc Hà, (gần khu nhà chờ vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh hiện nay), số nhà bắt đầu từ đây; cuối phố là giáp đường Bưởi, số lớn. Lẽ ra theo “luật” định, theo số lớn dần thì bên phải là số chẵn, trái là số lẻ thì ở đây bên Phải là số lẻ, bên trái là số chẵn! Ngược hẳn quy luật! Không rõ vì sao. Chắc cũng có ngoại lệ!
Không biết Hà Nội có còn phố nào từ thời Pháp thuộc đánh số nhà “ngược quy tắc” như phố Đội Cấn không? Riêng phố Đội Cấn thì tôi biết rõ cái phố này lắm! Vì bao năm cứ buổi sáng ra đứng đầu phố chỗ chợ Ngọc Hà đón xe chuyên gia từ khách sạn La Thành ra để đi làm trên công trình cầu Thăng Long. Rồi những năm sau đó nhà chuyển về ở cuối con phố này, đoạn ngã tư Liễu Giai - Văn Cao - Đội Cấn.
Tôi đã cố tìm hiểu mà chưa biết! Nhân đây, các bác cao niên hay có “nhà thông thái” nào biết thì mách giùm!