Hà Nội có 8 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được chuẩn hóa dữ liệu

Hà Nội được Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công an chọn là địa phương đầu tiên thí điểm xây dựng Hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi người dân Thủ đô sẽ có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử, được theo dõi và lưu trữ suốt đời, quản lý toàn bộ xuyên suốt các hoạt động liên quan đến sức khỏe.

Chia sẻ bên lề Hội nghị Khoa học kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam do Sở Y tế Hà Nội tổ chức ngày 22/2, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ cuối năm 2023 Hà Nội đã triển khai thí điểm Đề án 06 của Chính phủ, đến giữa năm 2024 đã có báo cáo tổng kết. Đến nay, TP có 8 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã được chuẩn hóa dữ liệu; hình thành hệ thống kết nối liên thông giữa Bảo hiểm xã hội và hồ sơ sức khỏe điện tử; các dữ liệu đang được tiếp tục làm giầu hàng ngày, hàng giờ.

Hiện tại, có hơn 3 triệu hồ sơ sức khỏe điện tử đã đủ 48 trường thông tin, khoảng 18 triệu hồ sơ gần như đầy đủ các trường thông tin theo quyết định của UBND TP Hà Nội giao cho Sở Y tế.

“Sở Y tế đang đề nghị các quận, huyện quyết liệt chỉ đạo các trung tâm y tế tiếp tục cập nhật làm giàu dữ liệu, hướng tới mục tiêu năm 2026, 100% người dân Hà Nội được quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử”, TS Nguyễn Đình Hưng cho biết.

Theo TS Nguyễn Khánh Phương, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), Hà Nội đã triển khai được 95% hồ sơ sức khỏe điện tử, cao nhất cả nước (cả nước mới đạt 25%). Ngoài ra, 100% các bệnh viện đã triển khai phần mềm HIS, kết nối dữ liệu khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế với cơ quan bảo hiểm xã hội; 88% bệnh viện đã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS).

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

TS Nguyễn Đình Hưng cho biết, đến nay, Hà Nội có 13 bệnh viện hoàn thành xong bệnh án điện tử đã được đăng tải công khai (10 bệnh viện công lập, 3 bệnh viện tư nhân), đứng trong top 23 địa phương dẫn đầu cả nước về triển khai bệnh án điện tử (toàn quốc hiện có hơn 100 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử). Với những bệnh viện chưa triển khai xong, Sở Y tế Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt để hoàn thiện trong thời gian tới.

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm, đến nay, gần 100% bệnh viện của Hà Nội đã triển khai sử dụng CCCD thay thế thẻ BHYT; một số bệnh viện triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Đặc biệt, một số bệnh viện đã sử dụng ki ốt y tế thông minh, trong đó có cây ki ốt đa chức năng như Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đống Đa, Bệnh viện Ba Vì… “Ki ốt thông minh đa chức năng không chỉ nhận diện, cập nhật thông tin khám chữa bệnh, mà còn có hỏi đáp, có thể thanh toán viện phí không dùng tiền mặt”, TS Hưng nói.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Hà Nội, trong quá trình triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, TP cũng gặp một số khó khăn như về cơ sở hạ tầng, xây dựng phần mềm hệ thống, xác thực thông tin của người dân, sự quyết liệt vào cuộc của các cấp…

Ki ốt tiếp đón bệnh nhân tự động theo Đề án 06 tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Ki ốt tiếp đón bệnh nhân tự động theo Đề án 06 tại Bệnh viện Nhi Hà Nội.

Tại Hội nghị, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng cho biết, trong thời gian tới, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện chuyển đổi số toàn diện để hướng tới nền y tế thông minh, mũi nhọn, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân Thủ đô và các vùng lân cận. Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh viện, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

Với việc thí điểm lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử, UBND TP Hà Nội khẳng định điều này mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể, người dân sẽ thay thế sổ khám bệnh giấy và sổ tiêm chủng giấy bằng sổ sức khỏe điện tử.

Mỗi người dân sẽ có một sổ sức khỏe điện tử trọn đời, từ đó đi khám/tiêm chủng tại bất kỳ đâu không còn phải mang theo nhiều giấy tờ thông tin khám, điều trị, tiêm chủng trước đó. Người dân sẽ biết và tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe của bản thân và người thân trong gia đình (bố mẹ, con cái...).

Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng cho hay, để triển khai Đề án 06 giai đoạn tới, việc đầu tiên là triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử phải đến được 100% người dân, hồ sơ phải đi vào cuộc sống, phải vận hành tốt như người dân phải sử dụng được, bác sĩ phải sử dụng được. Tương lai Hà Nội sẽ xây dựng Đề án Trạm y tế số, lúc đó mới sử dụng hoàn thiện hồ sơ sức khỏe điện tử.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/ha-noi-co-8-trieu-ho-so-suc-khoe-dien-tu-da-duoc-chuan-hoa-du-lieu--i759843/