Hà Nội có thêm 380.000 người dùng PC-Covid chỉ trong hơn 1 tháng
Tính từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã có thêm 380.000 người dùng ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 về số người dùng PC-Covid và thứ 6 cả nước về tỷ lệ PC-Covid trên dân số.
Thống kê của Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia cũng cho hay, TP Hà Nội hiện thuộc top 10 tỉnh, thành có tỉ lệ smartphone cài đặt PC-Covid cao nhất cả nước.
Cụ thể, top 10 địa phương có tỷ lệ smartphone cài đặt ứng dụng PC-Covid cao nhất cả nước lần lượt là: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hài Phòng và Thanh Hóa.
Tại Hà Nội, tính đến ngày 25/10, số smartphone có cài đặt PC-Covid trên tổng số smartphone là 3.657.326/6.685.289, đạt tỷ lệ 55%. Số smartphone cài đặt mới ứng dụng PC-Covid trong ngày 25/10 là 6.036.
Năm đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội có tỷ lệ smartphone cài đặt PC-Covid cao nhất đến nay lần lượt là các quận: Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, Đống Đa, Nam Từ Liêm.
Ngoài việc số lượng smartphone có cài đặt ứng dụng PC-Covid tăng liên tục trong thời gian qua, Hà Nội cũng đang triển khai nền tảng khai báo y tế và quản lý thông tin người vào - ra các địa điểm bằng quét mã QR thông qua ứng dụng PC-Covid. Ghi nhận đến hết ngày 25/10, tổng số địa điểm quét mã QR trên địa bàn thành phố Hà Nội là 637.533, tăng 3.939 điểm so với ngày 24/10 và tăng 341.286 địa điểm so với ngày 21/9 (296.247 địa điểm).
Kể từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đến nay, Hà Nội đã trải qua 180 ngày chủ động giữ an toàn cho địa bàn và đang tích cực thiết lập trạng thái bình thường mới. Có được kết quả đó là do Hà Nội đã đánh giá đúng tình hình, phản ứng rất sớm, áp dụng các giải pháp phòng chống dịch phù hợp, kịp thời.
Ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội nhận định: Công nghệ đang góp phần là một "lá chắn" không thể thiếu trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sự tuân thủ của các tầng lớp nhân dân và sự vào cuộc quyết liệt, có hiệu quả của hệ thống chính quyền sẽ giúp Hà Nội bảo đảm và duy trì trạng thái "bình thường mới".