Hà Nội có thêm gần 200 tuyến phố đủ điều kiện trông giữ xe dưới lòng đường, vỉa hè
Hà Nội phê duyệt thêm 191 tuyến đủ điều kiện sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ xe, nâng tổng số tuyến đường đủ điều kiện tổ chức trông giữ xe lên 234 tuyến.
Hà Nội có 234 tuyến phố đủ điều kiện tổ chức trông giữ xe dưới lòng đường
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 6440phê duyệt danh mục tuyến đường, phố được sử dụng tạm thời một phần lòng đường để trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.
Trong đó bổ sung 191 tuyến đường, phố đủ điều kiện vào danh sách được trông giữ xe dưới lòng đường. Cụ thể quận Hoàn Kiếm có 20 tuyến, quận Hai Bà Trưng 19 tuyến, quận Ba Đình 13 tuyến, quận Đống Đa 11 tuyến, quận Cầu Giấy 29 tuyến, quận Thanh Xuân 2 tuyến, quận Nam Từ Liêm 17 tuyến, quận Bắc Từ Liêm 14 tuyến, quận Hoàng Mai 20 tuyến, quận Hà Đông 21 tuyến, quận Tây Hồ 2 tuyến, quận Long Biên 21 tuyến, huyện Thanh Trì 1 tuyến và huyện Sóc Sơn 1 tuyến.
Đồng thời, có 43 tuyến đường, phố đã được cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường, phố để trông giữ phương tiện giao thông hoạt động cụ thể quận Hoàn Kiếm 22 tuyến, quận Ba Đình 4 tuyến, quận Đống Đa 2 tuyến, quận Hai Bà Trưng 14 tuyến và quận Cầu Giấy 1 tuyến.
Như vậy, Hà Nội hiện có 234 tuyến phố được phép trông giữ phương tiện dưới lòng đường.
Tiêu chí đánh giá các tuyến đường đủ điều kiện tổ chức trông giữ xe tại Hà Nội
Quyết định của thành phố Hà Nội cũng quy định: không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị, việc trông giữ phương tiện dưới lòng đường không gây cản trở giao thông, ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động của hai bên đường phố.
Đường tổ chức giao thông hai chiều, nếu rộng 10,5m thì cho phép trông giữ xe một bên; đường rộng từ 14m cho phép giữ xe hai bên. Đường tổ chức giao thông một chiều nếu rộng tối thiểu 7,5m thì được trông xe bên phải phần xe chạy.
Điểm trông giữ xe phải cách nút giao thông tối thiểu 20m, xe đỗ thành hàng thuận theo chiều xe chạy; không cắm cọc, chăng dây rào chắn lòng đường, không cản trở lối đi dành cho người đi bộ tại các vị trí sang đường.
Không tổ chức trông giữ phương tiện trên tuyến quốc lộ đi qua đô thị. Không trông giữ xe trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở; trên các tuyến phố tại trung tâm chính trị, văn hóa, du lịch.
Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện, lối ra, vào phải đảm bảo an toàn giao thông, đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị.
Hạn chế sử dụng tạm thời hè phố ngoài mục đích giao thông trong các khung giờ có mật độ các phương tiện tham gia giao thông cao và vào các ngày lễ, tết, kỳ cuộc để đảm bảo an ninh, trật tự.
Xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng, quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m. Ngăn nắp, gọn gàng bảo đảm mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, thành phố cũng quy định không trông giữ xe trước mặt tiền của các công sở và một số tuyến phố đặc thù. Vị trí hè phố tổ chức trông giữ xe phải có kết cấu đảm bảo khả năng chịu tải trọng phương tiện. Hạn chế khung giờ cao điểm 6-9 giờ và 16-19 giờ 30 phút.
Trước đó, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đã nêu thực trạng thiếu bãi đỗ xe tại phiên chất vấn Hội đồng nhân dân thành phố. Hà Nội quy hoạch 1.690 bãi đỗ xe nhưng hiện mới đầu tư xây dựng được 72 bãi đỗ; diện tích giao thông tĩnh phải đáp ứng được 30% nhưng mới đáp ứng được 0,5%. Trong khi đó tổng số phương tiện của Hà Nội là trên 8 triệu, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và khoảng 6,9 triệu xe máy.