Hà Nội công bố ba số điện thoại đường dây 'nóng' tiếp nhận phản ánh về tình hình giao thông
Dự báo nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp nghỉ lễ 30/4, 1/5 và cao điểm du lịch hè năm 2025 sẽ tăng cao, ngày 24/4, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đã công bố các số điện thoại đường dây 'nóng' để tiếp nhận phản ánh từ người dân về tình hình giao thông trên địa bàn.

Cảnh sát giao thông điều hành giao thông tại Hà Nội. (Ảnh: THÁI SƠN)
Theo đó, số điện thoại đường dây "nóng" Sở Xây dựng (cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông thành phố) là 024.62860555.
Số điện thoại của trực ban Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội là 02439424451 (phản ánh thông tin về vi phạm trật tự, an toàn giao thông, ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông...).
Số điện thoại của Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông-Sở Xây dựng là 1900969672 (phản ánh các thông tin sự cố về hạ tầng giao thông, đèn tín hiệu giao thông, bất cập trong tổ chức giao thông...).
Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội đề nghị các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã và cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, phương án phân luồng tổ chức giao thông của các cơ quan chức năng nhằm bảo đảm việc di chuyển thuận lợi, an toàn, tránh ùn tắc; không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia; chấp hành nghiêm túc hiệu lệnh của người chỉ huy, điều khiển giao thông và hiệu lệnh của hệ thống báo hiệu đường bộ; không phóng nhanh, vượt ẩu; điều khiển phương tiện đi đúng làn đường, phần đường quy định và tuân thủ đúng tốc độ quy định.
Người dân khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường nên giữ khoảng cách an toàn giữa các xe khi tham gia giao thông.
Đặc biệt, khi di chuyển trên đường cao tốc luôn chú ý quan sát, không chuyển hướng bất ngờ; thắt dây an toàn khi đi ô tô; đội mũ bảo hiểm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia khi đi mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện; dừng lại quan sát an toàn trước khi đi qua đường sắt; tích cực sử dụng phương tiện xanh, sạch, thân thiện với môi trường và tham gia giao thông công cộng; mặc áo phao hoặc sử dụng dụng cụ nổi cứu sinh khi đi tàu thủy, phà, đò.