Hà Nội công bố thu hồi đất, cải tạo hạ tầng xung quanh Di tích đền Bà Kiệu

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, việc thu hồi đất thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu,nhằm hoàn trả lại không gian cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, phục vụ tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tham quan du lịch của người dân Thủ đô và cả nước.

Sáng 28/4, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã tổ chức họp các họp các hộ dân, tổ chức, cá nhân nằm trong mốc giới thu hồi đất để Thông báo kế hoạch tiến độ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng (GPMB) và các chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư đối với các tổ chức, hộ gia đình, tổ chức, cá nhân có đất và tài sản thuộc phạm vi thu hồi đất để thực hiện Dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm.

Đền Bà Kiệu ở số 59 phố Đinh Tiên Hoàng

Đền Bà Kiệu ở số 59 phố Đinh Tiên Hoàng

Tại cuộc họp này, UBND quận Hoàn Kiếm đã công bố nội dung quyết định kiện toàn Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư và Quyết định thành lập tổ công tác; Công bố Quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án giải phóng mặt bằng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm; Công bố Thông báo thu hồi đất và kế hoạch điều tra khảo sát đo đạc kiểm đếm; Công bố chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư.

Theo thống kê, hiện tại trong phạm vi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xung quanh khu vực đền Bà Kiệu có 6 chủ sử dụng đất đang sử dụng và 1 tổ chức.

Hài hòa lợi ích nhà nước và người dân

Phát biểu ý kiến của các gia đình, ông Bùi Anh Tuấn người đang quản lý trông nom từ đường dòng họ Lê nằm trong phạm vi thu hồi đất phục vụ dự án cho biết, gia tộc họ Lê có hơn 10 đời sinh sống 200 năm trên mảnh đất của ông cha tại đền Bà Kiệu, từ đường hiện vẫn là nơi thờ tự của dòng họ.

Ông Bùi Anh Tuấn đại diện hộ gia đình đang sinh sống tại 59 phố Đinh Tiên Hoàng.

Ông Bùi Anh Tuấn đại diện hộ gia đình đang sinh sống tại 59 phố Đinh Tiên Hoàng.

"Diện tích gia đình chúng tôi đang sử dụng thuộc quyền quản lý của dòng họ từ nhiều năm nay. Gian sảnh lớn phía trước đã để cho nhà nước quản lý, còn lại chỉ giữ được đồ thờ tự ở Hậu cung đền. Gia đình vẫn đang lưu giữ các tài liệu về việc quản lý phần diện tích gia đình đang sử dụng. Hiện các di tích trên địa bàn quận vẫn còn các đình đền chùa có các hộ dân ở liền kề, vì vậy, gia đình tôi đề nghị các cấp chính quyền xem xét báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết nguyện vọng được tiếp tục sử dụng, không làm xáo trộn cuộc sống” - ông Tuấn nói.

Ông Lê Việt Dũng - đại diện hộ ông Lê Mạnh Hùng bày tỏ: “Tôi mong muốn, chính quyền có một cuộc trao đổi thảo luận để có sự hài hòa giữa nhà nước và những người con dòng họ Lê đang sinh sống thờ tự dòng họ tại đây. Việc thu hồi, di dời dân đi chỉ để cải tạo mặt bằng. Hiện giờ có rất nhiều hình thức xã hội hóa, tại sao Nhà nước không cùng người dân cùng làm, cùng cải tạo, cùng tôn tạo duy trì di tích để mà phát huy giá trị di tích. Đây là mô hình không chỉ ở Việt Nam mà các nước cũng đang làm”.

Phía sau đền Bà Kiệu là từ đường dòng họ và hậu duệ đang sinh sống.

Phía sau đền Bà Kiệu là từ đường dòng họ và hậu duệ đang sinh sống.

Trả lời ý kiến các hộ gia đình, đại diện Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Hoàn Kiếm cho biết, chủ trương thu hồi đất, di chuyển GPMB tổ chức và các hộ dân trong khu vực bảo vệ I để hoàn trả lại không gian cảnh quan nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa - lịch sử của di tích đền Bà Kiệu đã được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn từ Trung ương đến địa phương thống nhất xác định là cần thiết phải thực hiện.

Trên cơ sở ý kiến thỏa thuận của các cơ quan chuyên môn, HĐND Thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 23/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 về chấp thuận, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm. Tiếp đó, UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 4296/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm (phê duyệt dự án đầu tư) với tổng mức đầu tư hơn: 49,9 tỷ đồng sử dụng nguồn vốn ngân sách Thành phố.

Thời điểm hiện tại, dự án đã được HĐND thành phố đưa vào danh mục dự án thu hồi đất tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND ngày 8/12/2022, được UBND thành phố đưa vào kế hoạch sử dụng đất năm 2023 quận Hoàn Kiếm tại Quyết định số 734/QĐ-UBND ngày 3/2/2023 và được Sở Tài nguyên môi trường Hà Nội bàn giao mốc giới thu hồi khu đất 59 Đinh Tiên Hoàng cho UBND quận Hoàn Kiếm để thực hiện dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh di tích Đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm.

Theo đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng quận Hoàn Hoàn Kiếm, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, các chủ sử dụng nằm trong mốc giới thu hồi đất của dự án theo Điều 61, 62 luật Đất đai 2013 thì đều thuộc đối tượng thu hồi đất, bao gồm các trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận và chưa được cấp giấy chứng nhận.

Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hoàn Kiếm trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thu hồi đất.

Đại diện Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng Hoàn Kiếm trả lời thắc mắc của người dân liên quan đến thu hồi đất.

Về đơn giá bồi thường hỗ trợ về đất sẽ được xác định theo quy định tại điều 114 Luật Đất đai năm 2013 trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường trong cơ sở dữ liệu đất đai; các chính sách BTHT về đất, tài sản cùng các khoản hỗ trợ khác sẽ căn cứ vào nguồn gốc, quá trình sử dụng nhà đất, các xác nhận của các cơ quan có liên quan để làm cơ sở lập dự thảo phương án BTHTTĐC và công khai lấy ý kiến của các hộ dân trong thời gian ít nhất 20 ngày đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ, minh bạch.

Về quy trình, thủ tục, chính sách bồi thường hỗ trợ tái định cư sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật. Cụ thể, hiện trên địa bàn thành phố Hà Nội, khi Nhà nước thu hồi đất thì đang thực hiện theo quy định tại Quyết định số 10/2017/QĐ-UBND ngày 29/3/2017 của UBND Thành phố Hà Nội.

Đại diện ban Ban QLDA quận Hoàn Kiếm khẳng định: "Đây là dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất". Vì vậy, đối với trường hợp trong khu vực đô thị thì sẽ bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể do Thành phố phê duyệt (hiện đã ủy quyền cho cấp huyện phê duyệt, theo Quyết định số 3558/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 của UBND thành phố Hà Nội), do đó, pháp luật không quy định việc trao đổi, thỏa thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư với hộ dân".

Ông Nguyễn Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, việc thu hồi đất để thực hiện Dự án GPMB, cải tạo hạ tầng kỹ thuật khu vực xung quanh Di tích đền Bà Kiệu, quận Hoàn Kiếm nhằm hoàn trả lại không gian cảnh quan, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của di tích, phục vụ tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng, tham quan du lịch của người dân Thủ đô và cả nước. Vì vậy, đề nghị các chủ sử dụng nhà đất phối hợp thực hiện đảm bảo dự án được triển khai đúng tiến độ./.

Đ.Hưng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-cong-bo-thu-hoi-dat-cai-tao-ha-tang-xung-quanh-di-tich-den-ba-kieu-post1016971.vov