Hà Nội cứ mưa là ngập: Dự án thoát nước... 'tắc' tiến độ
Trước những hạn chế về phạm vi và giải quyết úng ngập của dự án Thoát nước Hà Nội 1 và 2, UBND Hà Nội đã phê duyệt một số dự án thoát nước ở khu vực phía Tây Nam Thủ đô và yêu cầu đẩy nhanh tiến độ. Tuy nhiên, các dự án này đang trong tình trạng thi công dở dang, trong khi cứ trời mưa nhiều tuyến đường Hà Nội lại ngập úng không lối thoát.
Mưa là ngập
Từ đầu tháng 7 đến nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 3 trận mưa với cường độ từ 10 đến trên 100 mm. Hệ thống hạ tầng được đầu tư từ dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành, tuy nhiên cả 3 trận mưa vừa qua tại khu vực nội đô đều xảy ra ngập nặng.
Đơn cử, trận mưa chiều 25/7 đã nhấn chìm hàng chục tuyến phố Hà Nội trong một thời gian dài. Nhiều tuyến đường giao thông “tê liệt” do đường ngập nước. Trên các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo… tình trạng ngập úng khiến nhiều phương tiện chết máy. Đặc biệt tại các tuyến phố cổ như Hàng Bún, Nguyễn Trường Tộ, Đường Thành, Hàng Nón, Tông Đản… nước mưa còn ngập cả bánh ô tô.
Trước đó, vào chiều 15/7, Hà Nội cũng có mưa lớn và ngập trên nhiều tuyến phố, nhất là khu vực Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Cầu Giấy. Thời điểm sau 18h, lượng nước ngập đo được trên nhiều tuyến phố như Trường Chinh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Khuyến, Thái Hà, Cao Bá Quát, Đội Cấn, Tây Hồ dâng từ 0,3 m đến 0,5 m. Với các tuyến phố Lý Thường Kiệt, Phan Bội Châu, Hai Bà Trưng… nước ngập hết bánh ô tô, giao thông tại đây chỉ có thể lội bộ.
Lý giải về nguyên nhân trên, ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội (Cty Thoát nước) cho biết, do lượng mưa vượt quá khả năng thiết kế (50mm/2 giờ) của hệ thống tiêu thoát nước thành phố, cùng với đó là do tốc độ đô thị hóa nhanh dẫn đến ngập. Theo ông Hùng, mùa mưa năm nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 13 “điểm đen” ngập úng.
“Lối thoát” nào cho ngập úng Hà Nội?
Đánh giá về hệ thống thoát nước hiện nay, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội cho biết, hệ thống hạ tầng, đường ống và trạm bơm từ dự án thoát nước Hà Nội đã hoàn thành và có công suất 310mm/2 ngày (tương đương 50mm/2 giờ).
Tuy nhiên, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, hầu hết các trận mưa gây ngập trên địa bàn thành phố thời gian qua đều có lưu lượng mưa vượt thiết kế của dự án (50mm), thậm chí trận mưa chiều 25/7 cao nhất là 112mm, trận mưa tối 15/7 cao nhất là 60mm… “Do hệ thống thoát nước không thể tiêu thoát kịp lượng nước mưa nên gây ngập trên các tuyến phố, từ đầu tháng 7 đến nay có 3 trận mưa lớn thì có 2 trận lưu lượng mưa vượt khả năng của hệ thống tiêu thoát nước”, đại diện Cty Thoát nước Hà Nội thống kê.
Cũng theo đại diện Cty Thoát nước Hà Nội, Trạm bơm Yên Sở (bơm nước ra sông Hồng) có khả năng tiêu thoát một lượng lớn nước lũ từ các con sông và kênh. Tuy nhiên do kênh, mương, đường ống thoát nước nhỏ hẹp, bị lấn chiếm, rác thải chặn… nên dẫn nước chậm. Đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng nước ngập trong nội thành dâng nhanh, kéo dài mỗi khi mưa.
Cùng với huy động lực lượng và phương tiện cơ giới thường xuyên túc trực, khai thông dòng chảy trước và trong thời điểm có mưa, để giảm úng ngập trên địa bàn thành phố, đặc biệt là những khu vực hạ tầng thoát nước của dự án thoát nước giai đoạn 1, 2 chưa vươn đến được, lãnh đạo Cty Thoát nước Hà Nội đề nghị thành phố và các sở ngành, đơn vị được giao đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước theo quy hoạch.
“Việc đưa các công trình này vào phục vụ đúng thời điểm vừa phát huy được hiệu quả đầu tư vừa giảm tải cho hệ thống hạ tầng đã được đầu tư từ dự án thoát nước giai đoạn 1 và giai đoạn 2”, đại diện Cty Thoát nước Hà Nội đề nghị.
Chậm trễ dự án chống ngập
Từ năm 2015 đến nay, UBND thành phố Hà Nội lần lượt triển khai các dự án: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (Hà Đông), Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm)…nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía Tây, bao gồm các quận Cầu Giấy, Nam - Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng (phạm vi dự án thoát nước Hà Nội không vươn đến).
Cụ thể, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/s bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho Hà Đông, Thanh Xuân; Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/s (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực Cầu Giấy, Nam-Bắc Từ Liêm và phụ cận. Tuy nhiên đến nay, cả hai dự án này đang triển khai chậm trễ.
Theo dự kiến, mùa mưa năm 2018 và 2019, Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa sẽ vận hành 2 tổ máy để xả nước lũ từ sông Nhuệ ra sông Đáy. Tuy nhiên, đến nay việc này vẫn chỉ là dự kiến. Cty Thoát nước vẫn chưa tiếp nhận, vận hành hệ thống tiêu thoát nước của thành phố.
Với dự án Cụm công trình đầu mối Liên Mạc, có tiến độ thi công trong giai đoạn 2018 đến 2020 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa xong công tác bố trí, bàn giao mặt bằng.
Do chưa có hệ thống thoát nước theo quy hoạch nên toàn bộ khu vực phía Tây Nam Thủ đô từ đường vành đai 2 đổ ra, bao gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam-Bắc Từ Liêm, Hà Đông thoát nước tại đây vẫn là tự chảy. Nhiều trận mưa làm nước sông Nhuệ dâng cao đã chảy ngược vào các khu dân cư, gây ngập úng trên diện rộng. Theo Cty Thoát nước Hà Nội, với các trận mưa trên 50 mm, khu vực phía Tây thành phố đang là vùng ngập úng nặng nhất.
Trên 19.000 tỷ đồng cho các dự án thoát nước Hà Nội
Để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, UBND thành phố Hà Nội đã xin chủ trương của Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư nhiều dự án thoát nước. Trong đó, 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền 19.099 tỷ đồng, bao gồm: Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào tháng 11 năm 2016; Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu 7.464 tỷ đồng; Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn I), tổng mức đầu tư: 3.635 tỷ đồng.
Với Dự án thoát nước Hà Nội, sau khi đi vào hoạt động và được Thanh tra Bộ Xây dựng tính toán lại và kết luận: Đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội (chủ đầu tư) kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân để xảy ra những vi phạm, sai sót liên quan đến việc tính toán sai trị giá làm tăng chi phí.