Hà Nội cụ thể hóa quy hoạch lớn bằng nhiều dự án trọng điểm

Trong 6 tháng đầu năm 2025, TP Hà Nội đã tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác quy hoạch, đồng thời đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, bảo đảm mục tiêu hoàn thành đúng kế hoạch và đưa các công trình vào khai thác, sử dụng, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hoàn thành nhiều đồ án quy hoạch

Ngày 8/7, kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 (Kỳ họp thứ 25) của HĐND TP Hà Nội chính thức khai mạc. Kỳ họp xem xét, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng. Tại kỳ họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cho biết, trong những tháng đầu năm, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. TP đã tập trung triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, có tính chiến lược như: tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô năm 2024, Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065…

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hải

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Thanh Hải

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội đến nay TP đã phê duyệt 83/83 đồ án quy hoạch đô thị, trong đó, Quy hoạch chung đô thị vệ tinh: đã phê duyệt 5/5 đồ án (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1 đồ án, UBND TP phê duyệt 4 đồ án); Quy hoạch chung thị trấn sinh thái: đã phê duyệt 3/3 đồ án; Quy hoạch chung thị trấn, thị tứ: đã phê duyệt 11/11 đồ án; Quy hoạch phân khu đô thị trung tâm: đã phê duyệt 38/38 đồ án (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 3 đồ án, UBND TP phê duyệt 35 đồ án); Quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh: đã phê duyệt 26/26 đồ án. 13/13 đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Bên cạnh đó, UBND TP đã phê duyệt 4 đồ án quy hoạch: Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; 2 quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, TP đã ban hành 4 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc quan trọng: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc chung TP Hà Nội; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cổ; Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc Khu phố cũ; Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng khu vực nội đô. Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng cao, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch.

TP đã phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 2 (từ Nam sông Hồng đến Đại lộ Thăng Long), tỷ lệ 1/2.000; Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 3 (từ Đại lộ Thăng Long đến trục đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên), tỷ lệ 1/2.000; Quy hoạch phân khu đô thị phía Tây Vành đai 4 - Phân đoạn 4 (từ tuyến đường Ngọc Hồi - Phú Xuyên đến đê sông Hồng), tỷ lệ 1/2.000. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghệ cao Sinh học Hà Nội, tỷ lệ 1/2.000; ưu tiên phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học với ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, tạo ra môi trường nghiên cứu, làm việc và cơ sở hạ tầng đồng bộ, đạt tiêu chuẩn cao.

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá cao tầm nhìn và sự quyết liệt của Hà Nội trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện các quy hoạch lớn. Việc triển khai hiệu quả Luật Thủ đô 2024 đã tạo ra một hành lang pháp lý quan trọng, khơi thông các nguồn lực và tạo đà cho sự phát triển đột phá. Công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch đã được đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng đô thị được đầu tư mạnh mẽ với nhiều dự án, công trình trọng điểm.

Vận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù

Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài cho biết, những kết quả đạt được của Thủ đô Hà Nội trong 6 tháng đầu năm là tiền đề rất quan trọng, nhưng nhiệm vụ còn lại của 6 tháng cuối năm 2025 vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Bí thư Thành ủy đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa có hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Bộ Chính trị và Quốc hội đã ưu tiên dành cho TP (như Luật Thủ đô 2024, các Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt) để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư kinh doanh, góp phần thu hút, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Trình bày báo cáo của UBND TP về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho biết, trong 6 tháng cuối năm, TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý Nhà nước về quy hoạch, đất đai, đô thị, môi trường. Đẩy nhanh tiến độ công trình hạ tầng giao thông quan trọng. Tập trung vào các dự án giao thông trọng điểm như: Vành đai 4; tuyến đường sắt đô thị metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), metro số 5 (Văn Cao – Hòa Lạc) và 6 cây cầu gồm: Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.

Ngoài ra, với lĩnh vực nhà ở, TP đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, đẩy nhanh công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ. TP cũng đang tập trung thực hiện các nội dung liên quan đến nhiệm vụ lập, phê duyệt nhiệm vụ Đồ án quy hoạch chi tiết các quận cũ gồm: Đống Đa, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hoàng Mai; phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 các khu công nghiệp Sạch Sóc Sơn, khu công nghiệp Phụng Hiệp, khu công nghiệp Bắc Thường Tín; quy hoạch phân khu đô thị hai bên đường Vành đai 4; đề án phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Rà soát, tái cấu trúc quy trình, tích hợp và cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến đủ điều kiện theo ngành, lĩnh vực quản lý lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Xây dựng, quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, địa phương bảo đảm đồng bộ dữ liệu với Hệ thống thông tin và cơ sở quốc gia về quy hoạch và tránh dàn trải, lãng phí. Thúc đẩy cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực quy hoạch, tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khai thác thông tin quy hoạch.

Hà Nội cần chủ động ban hành các cơ chế, chính sách để khai thác hiệu quả Luật Thủ đô 2024 và cụ thể hóa các quy hoạch chung, đặc biệt trong các lĩnh vực quan trọng. Tập trung nguồn lực tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh và hiện đại. Cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành các quy hoạch, thiết kế đô thị, gắn quy hoạch với kế hoạch triển khai cụ thể. Trong đó, đặc biệt chú trọng các dự án lớn như quy hoạch hai bờ sông Hồng, khu vực Tây Hồ Tây. Quyết liệt giải quyết các vấn đề dân sinh bức xúc như: tình trạng ngập úng cục bộ; cải tạo các khu chung cư cũ; khai thác hiệu quả không gian ngầm, tạo lập thêm không gian công cộng...

Phó Chủ tịch Quốc hội Vũ Hồng Thanh

Lại Tấn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-cu-the-hoa-quy-hoach-lon-bang-nhieu-du-an-trong-diem.762896.html