Hà Nội: Cuộc chiến giành lại vỉa hè không có hồi kết

Sau nhiều đợt ra quân lập lại trật tự, tình trạng lấn chiếm vỉa hè để phục vụ mục đích đỗ xe, kinh doanh, buôn bán… vẫn tiếp tục tái diễn khắp các con đường, tuyến phố trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Vỉa hè được chiếm dụng thành nơi kinh doanh hàng quán trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).

Vỉa hè được chiếm dụng thành nơi kinh doanh hàng quán trên đường Hoàng Quốc Việt (Cầu Giấy, Hà Nội).

Bất chấp quy định để phục vụ lợi ích cá nhân

Vỉa hè, vốn là không gian dành cho người đi bộ, giờ đây đã bị biến thành nơi buôn bán, thậm chí là bãi giữ xe, để xe. Điều này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. Người đi bộ phải chen chúc, lách qua những hàng quán, xe cộ, thậm chí phải đi xuống lòng đường, khiến dễ xảy ra va chạm, tai nạn.

Vỉa hè đường Hoàng Quốc Việt từ lâu đã biến thành điểm tụ tập của các hàng quán bán đồ ăn, những xe bán hàng rong… Ôtô, xe máy của khách hàng đến ăn đỗ chen chúc lên vỉa hè, thậm chí tràn xuống cả lòng đường, khiến cho phần vỉa hè càng trở nên chật hẹp.

Tương tự, các tuyến phố được mệnh danh là tụ điểm “ăn chơi’ có rất nhiều người đổ xô tới check-in và ăn uống khiến cho tình trạng lấn chiếm vỉa hè càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Việc buôn bán lấn chiếm vỉa hè từ lâu đã trở thành một "văn hóa" khó thay đổi. Chia sẻ cùng phóng viên, chị N.T.Hòa (trú tại đường Hoàng Quốc Việt) chia sẻ, nhà chị ở gần mặt đường nên thường xuyên chứng kiến các hàng quán tấp nập khách trên vỉa hè. “Nhiều khi đêm hôm rồi mà tiếng cười nói, loa đài vẫn ầm ĩ. Rác thải hàng quán xả ra bừa bãi, bốc mùi kinh khủng”, chị N.T.Hòa bức xúc.

Không chỉ bị chiếm dụng với mục đích kinh doanh, vỉa hè trên đường Hoàng Quốc Việt còn trở thành bãi đỗ xe “bất đắc dĩ”. Mặc cho chủ nhà phải treo biển không để xe trước cửa nhà, nhưng những phương tiện này vẫn ngang nhiên đỗ khiến người dân rất bức xúc.

Không chỉ bị chiếm dụng với mục đích kinh doanh, vỉa hè trên đường Hoàng Quốc Việt còn trở thành bãi đỗ xe “bất đắc dĩ”. Mặc cho chủ nhà phải treo biển không để xe trước cửa nhà, nhưng những phương tiện này vẫn ngang nhiên đỗ khiến người dân rất bức xúc.

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, chị G.L – chủ sạp hàng bán nước giải khát trên phố Hoàng Quốc Việt chia sẻ, chị đã kinh doanh tại đây được gần 1 năm. Những lúc lực lượng chức năng đi kiểm tra, chị dọn vội bàn ghế lên chiếc xe đẩy rồi di chuyển đi nơi khác, đợi đến khi lực lượng chức năng đã đi xa, chị lại quay về vị trí cũ để bày bán. “Biết là vi phạm đấy, nhưng không còn cách nào khác vì ở nhà tôi còn ba miệng ăn nữa. Đây là cách duy nhất để tôi mưu sinh”, chị G.L bộc bạch.

Các đợt ra quân như… “ném đá ao bèo”

Đáng nói, Ban Chỉ đạo 197 của Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 01/KH-BCĐ197 về tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự đô thị, trật tự công cộng trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, đã có những quy định pháp luật xử phạt, cùng với các đợt ra quân “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ” của Thành phố Hà Nội, nhưng câu chuyện chiếm dụng vỉa hè vẫn diễn ra như “cơm bữa”.

Mặc dù trục đường trước cổng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Đông, Hà Nội) đặt biển cấm sử dụng trái phép hè phố kinh doanh dịch vụ, nhưng các xe đẩy hàng rong ở đây vẫn hoạt động tấp nập vào buổi tối.

Mặc dù trục đường trước cổng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Đông, Hà Nội) đặt biển cấm sử dụng trái phép hè phố kinh doanh dịch vụ, nhưng các xe đẩy hàng rong ở đây vẫn hoạt động tấp nập vào buổi tối.

Trong 10 năm qua (từ 2014 đến nay), Thành phố đã có 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ, nhưng chỉ sau khi ra quân một thời gian ngắn, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn, thậm chí có những lúc mức độ còn nghiêm trọng hơn.

Theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trật tự vỉa hè là vấn đề phức tạp. Nguyên nhân của việc tình trạng “đâu lại vào đấy” xuất phát từ việc vỉa hè là nguồn thu nhập chính gắn với một bộ phận người dân kinh doanh trên hè phố. Ngoài ra, nhu cầu dừng đỗ của các phương tiện rất lớn, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ, nên việc dừng đỗ thường không đúng nơi quy định.

Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên tuần tra, kiểm soát trật tự vỉa hè.

Lực lượng chức năng phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên tuần tra, kiểm soát trật tự vỉa hè.

Các chuyên gia về xã hội học cho rằng, Hà Nội cần có giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng và duy trì kết quả một cách bền vững; Khẩn trương xây dựng và thực hiện quy hoạch các điểm trông giữ xe bảo đảm an toàn, trật tự, tạo thuận lợi cho người dân khi có nhu cầu gửi xe, nhất là các khu vực đông dân cư.

Các quận, huyện, thị xã cần có phương án xây dựng, sắp xếp vị trí cho hộ kinh doanh, bảo đảm trật tự đô thị và cuộc sống cho người dân; Đồng thời cần có sự quyết liệt hơn nữa trong việc xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè…

Hà Trần

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/ha-noi-cuoc-chien-gianh-lai-via-he-khong-co-hoi-ket-381292.html