Hà Nội đã có kịch bản cung ứng thực phẩm ở mức độ cao nhất
TP Hà Nội vừa công bố có thêm ca nhiễm dịch COVID-19, đã xảy ra tình trạng một số người dân đổ xô đi mua hàng dự trữ các mặt hàng thiết yếu. Trước tình trạng này, ngay trong chiều ngày 7-3, Bộ Công thương đã tổ chức họp khẩn, chỉ đạo công tác ổn định thị trường, đảm bảo nguồn cung...
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay trong đêm 6-3, Hà Nội đã họp chống dịch, các phương án đã được triển khai, trong đó có nhiệm vụ đảm bảo hàng hóa và trấn an tâm lý người tiêu dùng. Theo bà Lan, thành phố vẫn đang đặt nhiệm vụ bình ổn lên hàng đầu bằng việc dự trữ hàng hóa lên 30-40%.
Ngoài ra, sở đã yêu cầu những doanh nghiệp báo cáo lượng hàng và giá cả hàng ngày để kịp thời cung ứng điều phối giá. Tất cả các phương án được triển khai rõ ràng, sở cũng đã xây dựng kịch bản cung ứng khi Hà Nội có 1.000 người mắc dịch.
“Hà Nội luôn đáp ứng được nhu cầu cho người dân, đủ hàng, không để ngày nào thiếu hàng. Kế hoạch bình ổn thị trường các nhu yếu phẩm luôn luôn được xây dựng theo kế hoạch cụ thể. Đặc biệt, các mặt hàng nhu yếu phẩm đã được các sở Công thương địa phương chuẩn bị đảm bảo trong bất kể hoàn cảnh nào và sẵn sàng cung ứng cho Hà Nội”, bà Lan khẳng định.
Theo báo cáo của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), nhiều siêu thị đã tăng mạnh lượng hàng dự trữ cung ứng cho thị trường trong bối cảnh dịch như chuỗi BRG Retail (Hapro, Intimex, Fuji Mart) tăng 300%; chuỗi Big C tăng 300% lượng hàng; chuỗi Saigon Co.op Mart tăng 50%, chuỗi Vinmart tăng 30-50%...
Các doanh nghiệp cho biết lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường. Đồng thời các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội… Ngoài ra, các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục nhu cầu nhân dân khi phòng chống dịch.
Ngay sau khi Hà Nội phát hiện ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Vụ Thị trường trong nước cũng đã yêu cầu các siêu thị tăng nguồn cung ứng, sẵn sàng bổ sung hàng từ ngoại tỉnh về Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail cho biết, liên quan tới dịch COVID – 19, do tâm lý hoang mang của 1 số khách hàng nên lượng khách hàng tới siêu thị cùng 1 thời điểm tăng đột biến, do vậy dẫn đến thiếu hàng cục bộ trên quầy. Từ khi có dịch bệnh Hệ thống bán lẻ thực phẩm Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng giám đốc BRG Retail (Hapro, Intimex, Fuji Mart) cũng khẳng định siêu thị tích trữ hàng gấp 5 lần, tại tổng kho dự trữ tăng gấp 10 lần, bổ sung hàng ngày và cam kết không tăng giá. Hiện, 20 tấn gạo đang được chuyển từ phía Nam ra Hà Nội. Người dân hoàn toàn yên tâm, Hà Nội sẽ không thiếu hàng hóa.
Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông cho biết, trong ngày hôm nay, hệ thống các siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân. “Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các Bộ triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân tại thành phố Hà Nội không nên quá hoang mang, lo lắng. “Người dân nên bình tĩnh, không nên tích trữ quá mức tiêu dùng khi việc cung ứng hàng hóa ở Hà Nội đầy đủ”, ông Đông nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh việc không thể để thiếu hàng hóa, nhu yếu phẩm tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn. “Cần phải tính đến những tình huống bất ngờ, dẫn đến một bộ phận người tiêu dùng bị tác động, mua hàng hóa tích trữ. Thậm chí tính cả những phương án xấu như cách ly sẽ kéo dài, lan rộng nhằm đảm bảo nguồn cung. Tất cả chúng ta, các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đều phải vào cuộc,” ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường Hà Nội trong thời gian tới Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm online để tránh tập trung đông người.
Các đơn vị trong Bộ Công thương phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội. Lực lượng QLTT giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng. Đặc biệt, các doanh nghiệp phân phối bán lẻ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa cung cấp cho hệ thống bán hàng của doanh nghiệp một cách tốt nhất, nhanh nhất. Nếu có vướng mắc cần hỗ trợ, đề nghị thông tin kịp thời cho Bộ Công thương, Sở Công thương hoặc các cơ quan chức năng khác để phối hợp xử lý.