Hà Nội đã làm gì với cơ chế đặc thù?

Hằng năm đều chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao, Hà Nội vẫn chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính.

Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực là đề án đã được Hà Nội hai lần cho ý kiến nhưng chưa rõ thời điểm áp dụng (Ảnh Duy Linh)

Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực là đề án đã được Hà Nội hai lần cho ý kiến nhưng chưa rõ thời điểm áp dụng (Ảnh Duy Linh)

Hiện nay, ngân sách thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển (hằng năm đều chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao). Vì vậy, Hà Nội chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính được Quốc hội cho phép.

Thông tin trên được nêu tại báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 ngày 19/ 6/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, vừa được Chính phủ gửi Quốc hội.

Theo nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Kết quả, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 1/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn thành phố Hà Nội, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023; sửa đổi mức thu phí một số khoản phí và lệ phí trên địa bàn.

Riêng đề án “Thu phí phương tiện cơ giới đường bộ vào một số khu vực trên địa bàn Thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, theo báo cáo, UBND Thành phố đã tổ chức họp và cho ý kiến lần 1 vào tháng 11/2020 và lần 2 vào tháng 10/2021, trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện Đề án và trình HĐND Thành phố vào thời điểm phù hợp.

Ngoài ra UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố vào kỳ họp cuối năm 2022 đề án về: Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; Phí bảo vệ môi trường đối với khí thải; Phí bảo vệ môi trường đối với chất thải; Phí cung cấp thông tin về đo đạc bản đồ; Giá dịch vụ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất; Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải khu vực làng nghề và nông thôn.

Tại nghị quyết số 115, Quốc hội cũng cho phép ngân sách thành phố được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Kết quả được nêu tại báo cáo, dự kiến nguồn thu trên giai đoạn 2021-2025 khoảng 18 nghìn tỷ đồng, trong đó: kế hoạch năm 2021 bố trí 2 nghìn tỷ đồng và năm 2022 bố trí 7,92 nghìn tỷ đồng cân đối cho các dự án đầu tư của Thành phố.

Quốc hội cũng cho phép sau khi ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố.

HĐND Thành phố đã dự kiến bố trí dự toán chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn cải cách tiền lương còn dư khoảng 8 nghìn tỷ đồng, báo cáo nêu kết quả thực hiện.

Cụ thể hơn, đến nay, HĐND Thành phố đã quyết định sử dụng 6,9 nghìn tỷ đồng còn dư để bổ sung nguồn chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Cơ chế đặc thù khác Hà Nội được áp dụng là mức dư nợ vay của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp.

HĐND Thành phố đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 7/12/2020 về Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2021-2025. Theo đó, hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của thành phố năm 2021 khoảng 90,6 nghìn tỷ đồng và dư nợ vay đầu năm 2021 khoảng 6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 6,6% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.

Hạn mức dư nợ vay được phép tối đa của Thành phố năm 2025 khoảng 115 nghìn tỷ đồng và dư nợ vay tại thời điểm 31/12/2025 dự kiến khoảng 53,4 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 46,5% so với mức dư nợ tối đa theo quy định.

Như vậy, với kế hoạch đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực của ngân sách Thành phố giai đoạn 2021-2025, hạn mức dư nợ vay nêu trên của Thành phố vẫn đảm bảo trong giới hạn theo quy định, báo cáo nêu rõ.

Đáng chú ý là, Quốc hội cho phép Hà Nội được tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, đã có quyết định phê duyệt dự án và thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan trong trường hợp cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhưng, hiện nay, ngân sách thành phố cơ bản vẫn đáp ứng được nhu cầu đầu tư phát triển (hằng năm đều chưa giải ngân hết 100% kế hoạch vốn được giao). Vì vậy, Thành phố chưa sử dụng cơ chế đặc thù về tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính nói trên.

Nguyễn Lê

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ha-noi-da-lam-gi-voi-co-che-dac-thu-d174817.html