Hà Nội đảm bảo cung ứng điện dịp hè trước tình hình nắng nóng gay gắt có thể kéo dài
Trước tình hình nắng nóng có thể kéo dài, nhu cầu sử dụng điện tại Hà Nội dự báo sẽ tăng khoảng 9,7% đến 10%. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 sản lượng điện chưa chắc sẽ bảo đảm tăng trưởng theo kịp nhu cầu.
Đảm bảo cung ứng điện dịp hè
Trong buổi hội nghị trực tuyến giao ban công tác tháng 4/2020 của UBND TP Hà Nội, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trước tình hình nắng nóng có thể kéo dài, nhu cầu sử dụng điện dự báo sẽ tăng khoảng 9,7% đến 10%, tuy nhiên do ảnh hưởng dịch Covid-19 sản lượng điện chưa chắc sẽ bảo đảm tăng trưởng theo kịp nhu cầu.
Ông Thăng khẳng định: "Nhu cầu điện trong mùa hè của thành phố hoàn toàn có thể đáp ứng được, tuy nhiên trong quá trình sử dụng phải tránh để xảy ra sự cố đường dây, trạm cung cấp để bảo đảm phục vụ nhân dân".
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, nắng nóng đã xảy ra diện rộng ở các khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ, vùng núi Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ.
Tại Hà Nội, từ ngày 7-9/5, cường độ nắng nóng tiếp tục gia tăng, nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ. Từ ngày 10/5, nắng nóng dịu dần.
Do ảnh hưởng của nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trong những ngày tới kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp và gió tây nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao.
Tạo thêm việc làm, đảm bảo đời sống người dân
Thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp theo Chỉ thị số 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 07/CT-UBND của Chủ tịch UBND TP. Giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm Covid-19 để kịp thời xử trí; Tăng cường công tác giám sát dịch bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh và tại cộng đồng để kịp thời bao vây khoanh vùng xử trí sớm khi phát hiện ca bệnh.
Tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là việc đảm bảo công tác vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp học, đảm bảo đủ nhiệt kế điện tử để kiểm tra thân nhiệt cho học sinh, giáo viên..., tuyên truyền, hướng dẫn học sinh, phụ huynh học sinh thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Để triển khai đồng bộ các biện pháp duy trì, phục hồi phát triển kinh tế, Hà Nội sẽ triển khai thực hiện hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 tại Chỉ thị số 06/CT-UBND.
Trong đó, Hà Nội yêu cầu các đơn vị cải cách triệt để các thủ tục hành chính; đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 gắn với tuyên truyền để nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ. Thực hiện cắt giảm chi thường xuyên ngoài kế hoạch; rà soát cụ thể tình hình tài chính, ngân sách để xây dựng kịch bản điều hành chi ngân sách hiệu quả.
Đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm. Phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm nâng cao đời sống người dân.
Tập trung sản xuất các sản phẩm có cơ hội phát triển, sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như: thiết bị bảo vệ sức khỏe, khẩu trang; hóa chất vệ sinh, khử trùng…
Đặc biệt, UBND TP yêu cầu các đơn vị tập trung đảm bảo an ninh trật tự, tuyệt đối không để các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh gây mất an ninh trật tự. Tăng cường phòng, chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo tổ chức đợt cao điểm về phòng, chống tội phạm trên địa bàn Thành phố theo tinh thần quán triệt của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Công an. Đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, nhất là tội phạm có tổ chức, ma túy, tín dụng đen, xâm hại phụ nữ, trẻ em...