Hà Nội: Đảm bảo hàng hóa thiết yếu, sẵn sàng ứng phó với dịch COVID-19
Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết tại thời điểm này, Hà Nội tương đối yên tâm với nguồn hàng đang dự dự trữ, với mức tăng trưởng từ 30% đến 50%.
Ngay khi có chỉ đạo của Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đảm bảo hàng hóa phục vụ nhân dân ứng phó với dịch COVID-19 trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức buổi làm việc với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn về phương án đảm bảo hàng hóa thiết yếu sẵn sàng ứng phó với dịch Covid-19.
Chủ động nguồn cung hàng hóa tăng từ 3 đến 5 lần
Tại buổi làm việc, ông Khúc Tiến Hà, Giám đốc miền Bắc hệ thống siêu thị Vinmart, cho biết trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát đợt 4, doanh nghiệp đã lên kế hoạch dự trữ hàng hóa đảm bảo 3 tại chỗ (gồm: lực lượng tại chỗ, nguồn hàng tại chỗ, phục vụ tại chỗ) để phục vụ người tiêu dùng Hà Nội, với lượng hàng thực phẩm thiết yếu tăng gấp 3 lần ngày thường, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần so với ngày thường.
Hệ thống doanh nghiệp này cũng đang tăng dự trữ các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây…; chủ động, liên tục làm việc với các nhà cung ứng như Masan, Meatdeli để lên kế hoạch sản xuất đảm bảo không để tình trạng bị trống trên kệ hàng.
Cũng theo ông Khúc Tiến Hà, hiện doanh nghiệp có 4 kho hàng, các kho hàng đều vận chuyển hàng hóa xuyên đêm để đưa hàng hóa về các siêu thị lớn; trong đó riêng kho ở Bắc Ninh, hàng hóa vận chuyển về tới Hà Nội chỉ mất khoảng 2 tiếng. Phía doanh nghiệp phân phối cam kết đủ nguồn cung hàng hóa, người dân không nên đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ.
“Phía siêu thị luôn đảm bảo đủ hàng hóa thiết yếu cung cấp liên tục cho người dân từ 9 ngày đến 15 ngày tùy từng mặt hàng. Riêng mặt hàng như mỳ tôm, nước mắm,… do doanh nghiệp làm việc với đối tác sản xuất nên hàng hóa luôn đủ cung cấp đến 45 ngày liên tục,” ông Khúc Tiến Hà nói.
Tương tự, ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc Công ty BRG Retail, cho biết doanh nghiệp đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng dự trữ hàng hóa tại từng điểm bán lên khoảng 300% và tăng gấp 10 lần tại kho hàng trung tâm; tập trung chủ yếu vào nhóm 13 mặt hàng thiết yếu cần bình ổn giá bao gồm: Gạo, thịt gà, trứng gà, thực phẩm chế biến, đồ hộp, thủy hải sản đông lạnh, bún mỳ phở ăn liền, dầu ăn, gia vị, rau củ quả…
“Nhằm góp phần bình ổn giá cả trên thị trường khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp đã xây dựng phương án bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với mức giá không đổi tại hệ thống 77 siêu thị, Minimart thuộc BRGMart tại các tỉnh phía Bắc và nhiều tỉnh phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu…,” ông Nguyễn Thái Dũng cho biết.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp phân phối lớn như Big C, Saigon Co.op, siêu thị Đức Thành hay các nhà sản xuất như C.P, Vissan, Tiên Viên… cho biết đều đã tăng lượng cung hàng hóa thiết yếu từ 3-5 lần. Riêng hàng hóa tại kho của siêu thị hiện đã trữ đầy để đảm bảo khi có vấn đề vẫn đảm bảo hàng hóa đủ cung cấp tại siêu thị. Các siêu thị và nhà sản xuất cũng thời cam kết không tăng giá bán thời điểm này.
“Hiện lượng nguyên liệu phục vụ chế biến lên tới hàng ngàn tấn. Lượng dự trữ sản phẩm chế biến của doanh nghiệp rất lớn, doanh nghiệp chủ động cung cấp cho hệ thống siêu thị và các điểm bán của thành phố. Đối với các nhà máy giết mổ, nếu nhu cầu đối với thực phẩm như lợn, gà tăng, phía doanh nghiệp sẽ tăng công suất giết mổ và chế biến lên gấp đối với khối lượng gà khoảng 200 tấn/ngày, lợn khoảng 150 tấn/ngày,” đại diện Công ty C.P cho biết.
Điểm nhấn là các siêu thị đều đẩy nhanh việc bán hàng online song song với kênh bán hàng trực tuyến, tạo điều kiện để người tiêu dùng thuận tiện hơn khi mua sắm hàng hóa thiết yếu, giảm việc đi lại và tiếp xúc trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp
Tuy nhiên, khó khăn nói chung đối với các doanh nghiệp phân phối chính ở khâu lưu thông từ địa phương này sang địa phương khác. Nguyên nhân do nhân viên vận chuyển đang trải qua nhiều thủ tục như xét nghiệm COVID-19.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đang đối mặt với việc thiếu nhân sự do nhân viên vận chuyển bị cách ly. Chưa kể số lượng nhân viên bán hàng trực tiếp và online cũng đang thiếu. Do đó, việc triển khai các điểm bán hàng lưu động đối với các doanh nghiệp phân phối lúc này là không dễ.
“Quan trọng nhất là không để bị đứt chuỗi logistics,” ông Lê Mạnh Phong, Giám đốc BigC khu vực miền Bắc nêu ý kiến.
Theo quy định, lái xe vào phải địa phương phải có xét nghiệm âm tính trong 72 giờ. Khi dịch xảy ra, lái xe không có chỗ để xét nghiệm, xét nghiệm ở các tỉnh chờ rất lâu, thậm chí phải chờ 24 giờ mới được xét nghiệm, xoay xở tìm lái xe trong tỉnh để giao hàng cũng rất vất vả. Do vậy, đại diện C.P kiến nghị Sở Công Thương có ý kiến với thành phố tăng cường điểm xét nghiệm ưu tiên cho các đối tượng vận tải của các đơn vị phân phối.
Liên quan đến nguồn cung rau cung cấp cho Hà Nội, đại diện Saigon Co.op thông tin nguồn cung khá nhiều từ Hải Dương, Sơn La, Bắc Giang, Bắc Ninh… Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp phân phối cũng chủ yếu lấy hàng từ các doanh nghiệp sản xuất lớn, chứ chưa lấy hàng ở các trang trại, hợp tác xã…
Do đó, tại cuộc họp, phía siêu thị cũng kiến nghị Sở Công Thương cung cấp cho doanh nghiệp phân phối danh sách đơn vị sản xuất các loại rau ăn lá, rau củ quả, trứng,… để có thể liên hệ thu mua đáp ứng nhu cầu người dân.
Không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân
Phát biểu kết luận buổi làm việc, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết tại thời điểm này Hà Nội tương đối yên tâm với nguồn hàng đang dự dự trữ với mức tăng từ 30% đến 50%.
Nếu trong điều kiện sức mua tăng nóng trong 1 vài ngày thì khả năng cung ứng hàng hóa vẫn dồi dào, ít nhất trong 7-9 ngày, sau đó tiếp tục ổn định theo chuỗi cung ứng mới cho người dân. Hầu hết các hệ thống đều có sự chủ động về nguồn hàng, kho dự trữ tại tỉnh cũng như dự trữ 3 tại hệ thống phân phối, tăng dự trữ tối đa trực tiếp tại siêu thị, đảm bảo cung ứng ngay khi sức mua tăng nóng.
Bên cạnh đó, các siêu thị cũng đã chuẩn bị nguồn nhân lực phục vụ người dân cũng như phương tiện vận chuyển đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, giá cả chưa có sự biến động.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thời điểm này các siêu thị vẫn đang phải chịu những áp lực, như vấn đề thiếu nguồn nhân lực vận chuyển, bán hàng, kho chứa hàng hóa.
Hơn nữa, vấn đề lưu thông hàng hóa trong khâu vận chuyển, mỗi địa phương chỉ đạo khác nhau dẫn đến khó khăn cả trong công tác xét nghiệm, con người, phương tiện vận chuyển…
Ghi nhận ý kiến đề xuất từ phía doanh nghiệp, bà Trần Thị Phương Lan đề nghị các hệ thống phân phối tiếp tục chủ động nắm sát tình hình chống dịch của thành phố để chủ động nguồn cung, không để đứt gãy, thiếu hàng cho người dân.
Song song với đó, các doanh nghiệp cần có phương án cụ thể chi tiết về điều tiết hàng hóa trong hệ thống, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh về, chủ động lấy thêm nhà cung cấp; tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19, phân luồng cho người dân giãn cách khi vào siêu thị mua hàng.
Cũng theo bà Lan, hiện Hà Nội đã chủ động chuẩn bị bố trí 1.920 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho dự trữ và điểm bán hàng lưu động. Các doanh nghiệp sản xuất và phân phối có nhu cầu bán lưu động có thể liên hệ với các địa phương để đưa hàng về phân phối./.
Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, dự kiến lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng; lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh, thành phố (nếu có) khoảng 21.500 tỷ đồng.
Hà Nội cũng xây dựng kịch bản 3 cấp độ theo các mức độ lây lan của dịch với tổng trị giá lượng hàng hóa phục vụ nhân dân tại các khu vực cách ly, phong tỏa theo cấp độ như sau: Cấp độ 1 từ 20 ca nhiễm đến dưới 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên tổng trị giá lượng hàng hóa là 313,78 tỷ đồng; Cấp độ 2 từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 1.048,71 tỷ đồng; Cấp độ 3 từ trên 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc tổng trị giá lượng hàng hóa 5.359,05 tỷ đồng.