Hà Nội đang còn hơn 17.500 cơ sở vi phạm phòng cháy

Trong 10 tháng đầu năm, cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy đối với 54.223 lượt cơ sở.

Tình huống diễn tập PCCC, CHCN ứng phó thiên tai, cháy nổ tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Tình huống diễn tập PCCC, CHCN ứng phó thiên tai, cháy nổ tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình.

Qua kiểm tra phát hiện 17.521 vi phạm phòng cháy chữa cháy (PCCC). Đã ra quyết định xử phạt 3.134 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 17,1 tỷ đồng.

Gần 330 vụ cháy, thiệt hại khoảng 7,3 tỷ đồng

Tuần qua, đã xảy ra hàng loạt các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội. Ngày 20/11, căn hộ tầng 29 tòa chung cư Goldmark City 136 Hồ Tùng Mậu, quận Bắc Từ Liêm cháy lớn. Hàng trăm người dân đã tháo chạy. Ngày 21/11, cửa hàng kinh doanh nội thất 279 đường Hữu Hưng, phường Dương Nội, quận Hà Đông cháy rụi.

Trước đó, ngày 27/10, tại tầng 33, chung cư HH1B Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng xảy ra hỏa hoạn khiến hàng nghìn cư dân náo loạn. Dù các vụ cháy trên không gây thiệt hại về người, song đa số lực lượng chức năng đều gặp không ít khó khăn khi triển khai cứu hộ.

Chiều 24/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tùng - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra an toàn PCCC đối với 54.223 lượt cơ sở. Qua kiểm tra phát hiện 17.521 tồn tại vi phạm về PCCC.

Lực lượng chức năng đã ra quyết định xử phạt với 3.134 trường hợp với số tiền phạt lên tới hơn 17,1 tỷ đồng. Đồng thời, ra quyết định tạm đình chỉ 322 lượt cơ sở, đình chỉ 324 cơ sở vi phạm. Lực lượng chức năng cũng kiến nghị, yêu cầu 4.241 cơ sở khắc phục tồn tại PCCC.

“Trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố xảy ra 329 vụ cháy, làm 6 người chết, 23 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 7,3 tỷ đồng. Đã xảy ra 1 vụ nổ rò rỉ làm 5 người bị thương. Công an TP tiếp nhận 204 tin báo cứu nạn cứu hộ...”, Đại tá Tùng thông tin

Theo Đại tá Tùng, công an TP Hà Nội đã trực tiếp tổ chức chữa cháy 320 vụ, xử lý 443 vụ chập điện và sự cố. Bên cạnh đó, tham gia cứu hộ, cứu nạn (CHCN) 161 vụ, cứu được 171 người, tìm được 51 thi thể.

Tập huấn cho cán bộ, giáo viên

Để góp phần khắc phục, lực lượng PCCC và CHCN (Công an quận Ba Đình, TP Hà Nội) đã tổ chức tập huấn tuyên truyền, nâng cao kỹ năng ứng phó với sự cố hỏa hoạn. Thành phần tham gia gồm Bí thư, Phó Bí thư, các tổ trưởng dân phố, giáo viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, mầm non trên địa bàn và dân cư tại các nhà chung cư.

Tại đây, những thông tin hữu ích, kỹ năng ứng phó với sự cố cháy, nổ và biện pháp phòng ngừa hiệu quả đã được truyền tải. Không để nhiều đồ dùng, hàng hóa dễ cháy ở nơi đun nấu. Không dự trữ xăng, dầu, khí đốt. Ô tô, xe máy và các phương tiện có xăng dầu, chất lỏng dễ cháy để trong nhà ở phải cách xa bếp, nguồn sinh nhiệt. Thiết bị chứa, dẫn xăng, dầu phải kín…

Cần lắp thiết bị tự ngắt (Aptomat) cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng nhánh và từng thiết bị tiêu thụ điện công suất lớn. Không để hàng hóa dễ cháy gần bóng điện, ổ cắm, cầu dao, chấn lưu đèn nê-ông.

Khi sử dụng bàn là, bếp điện, lò sấy phải có người trông coi. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, người bị tàn tật, người bị tâm thần sử dụng các thiết bị điện. Bài trí nơi thờ cúng hợp lý. Trần phía trên ban thờ phải bằng vật liệu không cháy…

Thầy Vi Mạnh Tường - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) cho biết, công tác PCCC được nhà trường đặc biệt quan tâm. Hàng năm trường đều phối hợp lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra, diễn tập an toàn PCCC.

“Nhà trường thường xuyên lồng ghép tuyên truyền công tác phòng chống cháy nổ vào các buổi giao ban. Thông tin kỹ năng, kiến thức PCCC vào các buổi sinh hoạt, bài giảng cho học sinh. Trước khi đi ra khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết...”, thầy Tường thông tin.

Quận Ba Đình là địa bàn có nhiều khu chung cư, nhà tập thể cũ. Bởi vậy, các giảng viên tại buổi tập huấn cũng khuyến cáo mọi gia đình, cán bộ, giáo viên không được lắp lồng sắt, lưới sát ở lan can nhà nhiều tầng. Đối với trường hợp đã lắp thì có cửa chốt trong và không được khóa.

Cùng với đó, chuẩn bị sẵn thang đứng, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Cửa có nhiều khóa nên sử dụng các loại khóa biểu chìa khác nhau để dễ phân biệt khi mở và quy định nơi để chìa khóa dễ thấy, dễ lấy. Nhà có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên.

Thầy Tường cũng nhấn mạnh: “Khi xảy ra cháy, nổ cần tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát PCCC theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền, công an xã, phường gần nhất. Đồng thời, sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến. Đối với những ngôi nhà vừa để ở vừa kết hợp sản xuất kinh doanh, cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC…”.

Trước đó, cùng với các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội, Công an quận Đống Đa đã tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ về PCCC và CHCN cho trên 600 cán bộ, giáo viên, nhân viên tại các trường học trên địa bàn.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/ha-noi-dang-con-hon-17500-co-so-vi-pham-phong-chay-mRSgA4AMg.html