Hà Nội: Dành 2% ngân sách cho đầu tư phát triển văn hóa

Trong 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố.

Ngày 23/7, tại Hoàng thành Thăng Long, Thành ủy Hà Nội và Hội đồng Lý Luận Trung ương phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “50 năm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”.

Nguồn lực “sức mạnh mềm” mục tiêu của phát triển

Tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, đây là một trong những lĩnh vực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu một tầm cao mới trong tư duy lý luận của Đảng trong thời kỳ đổi mới, được Đảng ta xác định, văn hóa vừa là động lực, vừa là nguồn lực “sức mạnh mềm” mục tiêu của phát triển, là nền tảng tinh thần của xã hội.

Hà Nội trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trong đó, trung tâm văn hóa là nét đặc trưng và tiêu biểu. Với chiều dài lịch sử, bề dày văn hiến nghìn năm, Hà Nội luôn luôn nhận thức sâu sắc vấn đề văn hóa vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa đang trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Quan điểm đảm bảo phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Điểm nhấn trong triển khai xây dựng và phát triển văn hóa Thủ đô, đó là liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh.

Thành ủy Hà Nội tiếp tục ban hành, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả rõ nét Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”.

Tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô

Để phát huy và khai thác tối đa nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa, ở nhiệm kỳ này, Thành ủy Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

"Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có một nghị quyết của cấp ủy về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều này nhằm hiện thực hóa chủ trương văn hóa là nguồn lực nội sinh, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển bền vững của Thủ đô” - ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Trong 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Ảnh: TL

Trong 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn. Ảnh: TL

Để khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, ngàn năm văn hiến, anh hùng, hòa bình, hữu nghị, tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên của cán bộ đảng viên và nhân dân Hà Nội, Thành ủy Hà Nội tiếp tục tạo bước đột phá trong xây dựng văn hóa, con người Thủ đô bằng việc ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Đây được coi là giải pháp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới.

Trong 40 năm đổi mới vừa qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Thủ đô được quan tâm tăng lên qua từng giai đoạn, mức đầu tư cho văn hóa tăng dần theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Giai đoạn, 2021 - 2025, dự kiến mức đầu tư cho văn hóa chiếm 2% tổng thu ngân sách thành phố.

Nhờ đó, công tác xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô đáp ứng yêu cầu phát triển được triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm.

Công tác phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt được nhiều thành tựu quan trọng góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng của Thủ đô.

Hà Nội đang trở thành một thành phố năng động, phát triển, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân Thủ đô được nâng cao.

Hơn 14 nghìn tỷ đồng đầu tư cho lĩnh vực văn hóa

Nhiều nhiệm kỳ vừa qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, phát triển nguồn nhân lực. Trong nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVII, Thành ủy và HĐND thành phố đã ban hành nghị quyết về phát triển 3 lĩnh vực trụ cột của phát triển bền vững gồm: văn hóa, giáo dục và y tế với ngân sách đầu tư 42 nghìn tỷ đồng, trong đó lĩnh vực văn hóa là 14,2 nghìn tỷ đồng.

Đây là mức đầu tư lớn nhất trong số các địa phương, cũng như của thành phố Hà Nội, từ trước đến nay, để phát triển toàn diện, đồng bộ trên các mặt. Đồng thời, để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực trên địa bàn thành phố, đặc biệt là hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-danh-2-ngan-sach-cho-dau-tu-phat-trien-van-hoa-155509.html