Hà Nội đánh thuế khu đô thị, biệt thự bỏ hoang: Điều đáng lẽ nên làm từ lâu
Giới chuyên gia đều ủng hộ việc Bộ Tài chính ban hành cơ chế đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Hiện nay, tại Hà Nội và TP.HCM đang tồn tại hàng loạt dự án treo, xây dựng xong để đó. Nhiều căn biệt thự, nhà liền kề, thậm chí là dãy chung cư cao tầng đã xây dựng được 70%, thậm chí là 80% nhưng vẫn đã chờ hàng chục năm vẫn chưa được hoàn thiện
Nhiều người gọi, các khu đô thị đó là nhà hoang, biệt thự hoang, khu đô thị hoang, mặc dù hầu hết các dự án này đều đã có doanh nghiệp tới “xí phần”.
Giới chuyên gia đều ủng hộ việc Bộ Tài chính ban hành cơ chế đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Vấn nạn khu đô thị, biệt thự bỏ hoang xuất hiện nhiều ở các khu vực ven đô, ngoại thành. Tại Hà Nội, hàng loạt dự án “bỏ hoang” nổi tiếng như: Khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn; khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Ledico; khu biệt thự Vườn Cam - Orange Garden; hay khu đô thị Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm); khu đô thị Hà Phong (xã Tiền Phong, huyện Mê Linh); Khu đô thị Cầu Bươu (huyện Thanh Trì)…
Nhiều dự án đã được công bố nghìn tỷ, nhưng bị bỏ mặc phơi sương nắng, cỏ dại mọc chằng chịt, người dân sinh sống gần đó tiện thể làm khu vực chăn nuôi gia súc.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam, các khu đô thị bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang vừa gây ra sự lãng phí về tài nguyên đất đai, vừa gây mỹ quan đô thị.
Không chỉ riêng Hà Nội, tình trạng khu đô thị bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang còn xuất hiện ở hầu hết các địa phương trong cả nước, tạo ra sự lãng phí vô cùng lớn. Do đó, ông Đính đồng thuận Chính phủ nên áp thuế cao đối với những dự án bỏ hoang.
Đồng thuận với ý kiến này, ông Nguyễn Thanh Tuấn, chuyên gia bất động sản nhận định: Khu đô thị bỏ hoang, biệt thự bỏ hoang chính là hệ quả của việc buông lỏng công tác quản lý tài nguyên đất đai tại nhiều địa phương. Việc xử phạt hoặc đánh thuế các khu đô thị bỏ hoang, đáng lẽ nên có từ lâu.
Theo ông Tuấn, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng khu đô thị bỏ hoang nhan nhảm ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, có 2 nguyên nhân lớn nhất.
Thứ nhất, qua quá trình đô thị hóa, các doanh nghiệp yếu kém chủ động xin quỹ đất ở khu vực ngoại thành để phát triển dự án. Tuy nhiên, do năng lực kém, cơ quan chức năng bỏ qua khâu thẩm định doanh nghiệp.
Có một số trường hợp dự án đang thi công được nửa chừng thì “đứt dây đàn”, hết vốn, dẫn đến tình trạng dự án đắp chiếu nhiều năm rồi bỏ hoang.
Thứ hai, có trường hợp doanh nghiệp “ôm” đất số lượng lớn, không phải để thực hiện dự án, mà là để giá đất tăng cao, sau đó chuyển nhượng, bán lại cho một đơn vị khác để hưởng chênh lệch.
“Cho dù là nguyên nhân nào, thì việc để đất đai hoang hóa là rất lãng phí. Vì vậy, tôi ủng hộ việc đánh thuế cao đối với các dự án bỏ hoang lâu ngày”, ông Tuấn nói.
Trước đó, Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng. Cụ thể, TP Hà Nội đề xuất với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.
Cùng với đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.