Hà Nội đào tạo giáo viên giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế
100 giáo viên Hà Nội đã tham gia khóa đào tạo tiếng Anh và phương pháp dạy học để cấp chứng chỉ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 26/7, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết khóa đào tạo tiếng Anh và phương pháp dạy học cho giáo viên các môn toán, khoa học, vật lý, hóa học, tin học hệ song bằng Cambridge để cấp chứng chỉ giảng dạy theo tiêu chuẩn quốc tế năm 2022.
Trước đó, thực hiện kế hoạch của UBND TP, Sở GD&ĐT Hà Nội đã ban hành quyết định cử giáo viên các môn Toán, Khoa học, Hóa học, Vật lý, Tin học hệ song bằng Cambridge tham gia các lớp đào tạo tiếng Anh và phương pháp dạy học để cấp chứng chỉ giảng dạy.
Căn cứ theo quyết định, tham gia khóa học là 100 giáo viên đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn thành phố. Khóa học được chia thành 5 lớp đào tạo, dựa trên trình độ tiếng Anh Cambridge của các học viên (Từ A1 lên A2, từ A2 lên B1, từ B1 lên B2, từ B2 lấy chứng chỉ phương pháp giảng dạy quốc tế). Mục tiêu đặt ra sau khóa học là mỗi học viên được tăng 1 bậc.
Thời lượng học tập của các học viên là 400 tiết, trong đó 80% số tiết học do giảng viên Việt Nam giảng dạy, 20% số tiết học còn lại do giảng viên nước ngoài giảng dạy. Vượt qua 8 bài kiểm tra định kỳ với yêu cầu đạt tối thiểu 5/8 bài, các học viên được tham gia kỳ thi cuối khóa để nhận chứng chỉ.
Trong 100 học viên tham gia khóa học, 97 học viên dự bài thi cuối khóa, trong đó 64 học viên đã đạt kết quả theo mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, có 19 học viên được nhận chứng chỉ về phương pháp giảng dạy Cambridge do Hội đồng khảo thí tiếng Anh quốc tế của Đại học Cambridge cấp.
Thay mặt 100 học viên tham gia khóa học, thầy Cai Việt Long - giáo viên Trường THCS Ngô Sỹ Liên (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: Khóa đào tạo Tiếng Anh thực sự có ích, giúp chúng tôi nâng cao khả năng ngoại ngữ, nhờ đó thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu các tài liệu chuyên môn quốc tế.
Thêm nữa, tư duy mới về phương pháp dạy học có được từ khóa học này cũng giúp giáo viên thay đổi cách giảng dạy để phù hợp với thế giới, tạo hiệu quả tốt hơn cho tập huấn học sinh hội nhập với các kỳ thi Toán và Khoa học quốc tế. Khóa học cũng tạo điều kiện cho các giáo viên được trao đổi phương pháp giảng dạy, kinh nghiệm dạy học.
Còn cô Nguyễn Thị Thọ - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ cho biết: "Ngoài các kĩ năng ngôn ngữ, tôi học hỏi được cách thầy cô tổ chức các hoạt động, các trò chơi khi giảng dạy trên lớp rất hấp dẫn và lôi cuốn. Tôi đã áp dụng vào các bài giảng của mình và nhận được những phản hồi tích cực từ học sinh.
Hơn nữa, khóa học còn là cơ hội để các thầy cô đến từ nhiều trường khác nhau giao lưu, học hỏi và trao đổi kiến thức chuyên môn, là cơ hội để giáo viên tự hoàn thiện bản thân và tích lũy kiến thức để có thể hoàn thành tốt hơn nữa công tác giảng dạy trong hiện tại và tương lai".
Trao chứng chỉ cho các thầy cô giáo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương ghi nhận sự nỗ lực cố gắng, tinh thần nghiêm túc của các học viên tham gia khóa học, đạt mục tiêu đề ra và cho rằng, đây là tiền đề để ngành giáo dục báo cáo thành phố nhân rộng mô hình này.
Ông Trần Thế Cương mong muốn các thầy giáo, cô giáo là những hạt nhân tích cực tham gia phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển – Thầy cô cùng chia sẻ trách nhiệm”, tăng cường trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ đồng nghiệp ở trường mình, các trường trong cụm và cả những trường ở địa bàn còn nhiều khó khăn, góp phần giảm dần khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa địa bàn ở Thủ đô.