Hà Nội đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong chuyển đổi số

Xây dựng thể chế chính sách cho chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng số, ra mắt các ứng dụng số phục vụ người dân và doanh nghiệp là những thành quả đáng khích lệ mà thành phố Hà Nội đã đạt được thời gian qua.

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chia sẻ, để phát triển xanh, bền vững, bao trùm, bên cạnh việc phát triển hạ tầng đồng bộ hiện đại kết nối thông suốt, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao thì việc ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là cải cách hành chính, chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực là giải pháp đột phá quan trọng mà Hà Nội đang thực hiện.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Ông Hải cho biết, ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 "Xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới…"

“Với quan điểm và mục tiêu như vậy, thành phố đã đề ra những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, tổ chức triển khai và bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực thể hiện ở một số kết quả”, lãnh đạo Hà Nội chia sẻ.

Theo ông Hải, Hà Nội đã xây dựng được cơ chế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID). Đây cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết quy định mức thu bằng "không" áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến.

Những năm qua, thành phố cũng đầu tư phát triển hạ tầng số, các hệ thống nền tảng quan trọng, các ứng dụng công nghệ số như xây dựng hệ thống thông tin báo cáo số, ký số toàn hệ thống 3 cấp, xây dựng phòng họp thông minh phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Hà Nội đưa vào sử dụng ứng dụng iHaNoi giúp tương tác giữa chính quyền và người dân.

Hà Nội đưa vào sử dụng ứng dụng iHaNoi giúp tương tác giữa chính quyền và người dân.

Thành phố cũng xây dựng và đưa vào hoạt động các ứng dụng số phục vụ công dân, doanh nghiệp, tiêu biểu là Ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHaNoi), nơi người dân, doanh nghiệp có thể tương tác trực tiếp với các cấp chính quyền Thành phố trên môi trường số nhanh chóng, kịp thời theo thời gian thực.

Hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố - quản lý khám chữa bệnh đã được kết nối với 651 cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) được triển khai thử nghiệm cho vận tải hành khách công cộng.

Lãnh đạo thành phố chia sẻ, kết quả chuyển đổi số của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá tăng 19 bậc (từ năm 2020 đến năm 2022).

Hà Nội cũng xếp thứ nhất Bảng xếp hạng chung về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin, đồng thời đứng thứ 2 trong 7 năm liên tiếp về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam. Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 cũng xếp Hà Nội đứng thứ nhất về chỉ số Quản trị điện tử.

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cho biết, trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá để xây dựng Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

CTV Hòa Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/ha-noi-dat-duoc-nhieu-ket-qua-dang-khich-le-trong-chuyen-doi-so-post1136259.vov