Hà Nội đặt mục tiêu 90% người cao tuổi được khám định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe
Theo Kế hoạch vừa được UBND TP Hà Nội ban hành, giai đoạn từ nay đến 2025, thành phố đề ra mục tiêu 90% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe…
Thông tin từ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) Hà Nội cho biết, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 30/KH-UBND về thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi đến năm 2030 trên địa bàn. Kế hoạch được chia thành 2 giai đoạn.
Đáng chú ý, giai đoạn 1 (2022-2025), thành phố đề ra mục tiêu trên 80% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; khoảng 90% người cao tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu kịp thời, khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; 100% người cao tuổi khi ốm đau, dịch bệnh được khám chữa bệnh, được hưởng sự chăm sóc của gia đình và cộng đồng…
Giai đoạn 2 (2026-2030), thành phố đặt mục tiêu, hằng năm, khoảng 90% người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức khác nhau; 80% người cao tuổi khuyết tật được sàng lọc, phát hiện các dạng khuyết tật và được can thiệp, phục hồi chức năng; ít nhất 60% người có tuổi hoàn cảnh khó khăn, không có người phụng dưỡng được chăm sóc, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng, cơ sở trợ giúp xã hội…
Đặc biệt, 100% người cao tuổi khuyết tật nặng, người cao tuổi lang thang có nhu cầu được tiếp nhận, chăm sóc, phục hồi chức năng tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Cùng với đó, 100% người cao tuổi không phải sống trong nhà tạm, dột nát. Duy trì 100% người cao tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không có người phụng dưỡng được hưởng các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định. Ít nhất 90% người cao tuổi có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…
Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội cho biết, để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho người cao tuổi đạt hiệu quả, hiện thành phố lựa chọn mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, phấn đấu Mô hình này được xác định là một trong những hoạt động trọng tâm nhằm chăm sóc người cao tuổi sống vui - sống khỏe - sống có ích.
Mục tiêu đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu 100% xã, phường, thị trấn được triển khai mô hình này. Để đạt được mục tiêu đó, hiện mỗi năm thành phố phấn đấu triển khai khoảng 100 mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.
Tuy nhiên công tác triển khai chăm sóc người cao tuổi trên địa bàn Hà Nội còn gặp một số khó khăn như: một số cấp chính quyền cơ sở chưa quan tâm thường xuyên đến công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; kinh phí cho hoạt động chăm sóc người cao tuổi tại cơ sở còn nhiều khó khăn; hệ thống y tế cơ sở phải tự chủ; số người cao tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp còn ít ...