Hà Nội: Đạt tăng trưởng dương nhờ có kịch bản chi tiết nhằm ổn định kinh tế vĩ mô

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, ngoài phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, TP Hà Nội đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và có các kịch bản chi tiết, từ đó đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô và đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trong năm 2020.

Sáng 28/12, Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã khai mạc, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, lãnh đạo Thường trực HĐND, UBND TP, các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã dự hội nghị.

 Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại hội nghị.

“Khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh nhấn mạnh tinh thần “khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba” và cho rằng thực tế đã chứng minh đây là năm thành công nhất của nước ta trong năm qua về ý chí vươn lên và tinh thần vượt khó. Việt Nam đã thực hiện thành công mục tiêu kép, khống chế dịch Covid-19 và đạt mức tăng trưởng dương 2,91% - nhóm cao nhất thế giới, bảo đảm vai trò Chủ tịch ASEAN với số lượng văn kiện thông qua lớn nhất từ trước đến nay và nhiều hoạt động khác.

Bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND TP cho biết TP Hà Nội đã đạt được mục tiêu tổng quát, mục tiêu kép với những kết quả quan trọng, toàn diện trong đó nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Điển hình là đã lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng TP Hà Nội với 17.118 chi bộ, 2.310 tổ chức cơ sở đảng, 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 17 Đảng bộ TP thành công, được đánh giá là thực chất, trọn vẹn và tạo nhiều dấu ấn tốt đẹp. Đại hội TP đã vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo tâm huyết và sâu sắc. Ngay sau Đại hội, Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện 10 chương trình công tác lớn, đến nay các chương trình toàn khóa và chương trình này đã được khẩn trương triển khai.

Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh về hiệu quả thực hiện mục tiêu kép. Hà Nội là địa bàn trọng điểm, số lượng người tiếp nhận, sàng lọc và cách ly lớn, nguy cơ lây nhiễm rất cao. TP đã kịp thời chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt với tinh thần tự giác, tích cực của người dân và DN, cả hệ thống chính trị, TP đã kiểm soát, đẩy lùi được dịch bệnh trong cả 3 đợt. Đến nay đã 133 ngày không có lây nhiễm trên địa bàn TP.

Bên cạnh việc phòng chống dịch hiệu quả, TP đã chủ động đánh giá tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế và có các kịch bản chi tiết. Từ đó đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, nhiều hoạt động kết nối với các địa phương về cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cuộc làm việc, ký kết thỏa thuận hợp tác với các bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên địa bàn.

Nhờ vậy, GRDP năm 2020 ước đạt là 3,98%, trong đó, được thúc đẩy và phục hồi mạnh mẽ thông qua quý IV với 5,77%. Quy mô nền kinh tế đạt ở mức trên 44 tỷ USD. Thu ngân sách trên địa bàn đã đạt mức 280.500 tỷ đồng, vượt dự toán và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân đầu tư công đạt mức trên 93% với quy mô 45.000 tỷ đồng. Năm 2020, TP dành tỷ lệ cho đầu tư phát triển tới 49%, chi thường xuyên chỉ còn 51%, tiết kiệm được 3.000 tỷ đồng chi thường xuyên.

Cùng với đó, giải quyết việc làm cho trên 18.600 lao động, đạt 116% kế hoạch năm, tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3%, đối với khu vực thành thị là 3,52%...

Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư

Năm 2020 TP đã bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khoảng 2000 sự kiện trên địa bàn, trong đó có nhiều hoạt động kỷ niệm lớn như 90 năm Ngày thành lập đảng bộ TP, 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long-Hà Nội, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh,…và nhiều sự kiện quan trọng khác được bảo đảm tuyệt đối an toàn, góp phần giáo dục truyền thống, khơi dậy tinh thần cho Nhân dân Thủ đô.

 Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội.

Toàn cảnh điểm cầu Hà Nội.

Tổ chức thành công Hội nghị “Hà Nội 2020-Hợp tác đầu tư và phát triển” trong bối cảnh đặc biệt là ngay sau đợt dịch đầu tiên được kiểm soát, với 540 doanh nghiệp, 2.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự; trao quyết định chủ trương đầu tư cho 229 dự án, tổng số vốn tương đương 17,6 tỷ USD. Tổng số dự án và số vốn quyết định đầu tư tại Hội nghị năm nay cao gấp 5 lần và 11 lần tương ướng so với năm 2016. Thành phố cũng cùng các nhà đầu tư ký 36 biên bản ghi nhớ với tổng mức đầu tư là 28,6 tỷ USD. Khẳng định Hà Nội tiếp tục là điểm đến an toàn và hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Hà Nội cũng đã thúc đẩy nhiều công trình, hạ tầng kỹ thuật khung, môi trường, giao thông và xử lý nhiều vấn đề dân sinh bức xúc tồn đọng kéo dài nhiều năm tạo chuyển biến tích cực trên địa bàn. Số doanh nghiệp thành lập mới tiếp tục tăng; xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt và sâu sắc. Nông nghiệp Hà Nội đạt tăng trưởng 4,2%-cao nhất trong 9 năm qua, 1.000 sản phẩm OCOP được công nhận. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...

Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, năm 2021, TP Hà Nội thực hiện năm chủ đề: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế, xã hội, trong đó, phấn đấu GRDP tăng khoảng 7,5%. Ngay đầu tháng 1/2021, đồng chí Bí thư Thành ủy, Thường trực Thành ủy sẽ có Hội nghị tới 30 quận, huyện triển khai tinh thần Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ bằng Chương trình hành động trên địa bàn TP.

Hà Nội kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn

Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh kiến nghị Bộ Chính trị sớm xem xét 3 nội dung mà Hà Nội đã trình xung quanh định hướng điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Hà Nội dự kiến tháng 12/2021; sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Thủ đô dự kiến tháng 12/2021; báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Trung ương và Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 10 năm qua để chuẩn bị cho 10 năm tiếp theo.

Ngoài ra, TP đề xuất và đưa vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc xác định dự kiến, cơ cấu thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội về một số bất cập trong triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn, như là dự án cho 2 kỳ kế hoạch đầu tư liên tiếp phải bảo đảm tổng số giá trị, tổng mức đầu tư của chương trình dự án được thực hiện kế hoạch đầu tư công của giai đoạn sau thì không vượt quá 20% giai đoạn trước, trong khi đó đã có điều chỉnh để triển khai toàn bộ dự án đó trong danh mục; Quy hoạch Hà Nội 10 năm 2021-2030 và tầm nhìn 2045 liên quan đến bố trí vốn, thẩm định dự toán, lựa chọn tư vấn và phương án triển khai…

TP Hà Nội cũng kiến nghị Bộ KH&ĐT có hướng cụ thể để bố trí vốn đối với dự án đầu tư công; Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 97 của Quốc hội thí điểm mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội…

Thủy Tiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-dat-tang-truong-duong-nho-co-kich-ban-chi-tiet-nham-on-dinh-kinh-te-vi-mo-405439.html