Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi số: xây dựng Thủ đô thông minh, hiện đại

Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 42-CT/TU nhằm tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Thủ đô thông minh, đồng thời triển khai hiệu quả Đề án chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Thủ đô thông minh.

Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng và phát triển Thủ đô thông minh.

Đây là một bước đi quan trọng để nâng cao năng lực số, cải cách hành chính và hiện đại hóa phương thức lãnh đạo, điều hành trong toàn Đảng bộ TP.

Trong những năm qua, chuyển đổi số tại Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các cơ quan Đảng, chính quyền đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung, thúc đẩy quản trị dữ liệu và triển khai nhiều sản phẩm công nghệ mới.

Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU, xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, cấp bách và lâu dài nhằm xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Theo đó, chuyển đổi số được triển khai với 3 trụ cột chính:

- Chính quyền số: nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách thủ tục hành chính.

- Kinh tế số: thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong sản xuất và dịch vụ.

- Xã hội số: phát triển hạ tầng số, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh đó, Thành ủy cũng đề cao 2 nền tảng quan trọng: Dữ liệu số và Văn hóa số, giúp chuyển đổi số toàn diện và bền vững.

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng công tác chuyển đổi số tại các cơ quan Đảng ở Hà Nội vẫn còn một số hạn chế như: thiếu đồng bộ trong quy chế, quy định, nhân lực còn yếu và thiếu, hạ tầng công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, dữ liệu chưa liên thông

Nhằm khắc phục những hạn chế, Thành ủy Hà Nội yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm:

1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng. Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác Đảng. Trách nhiệm của người đứng đầu là đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo hiệu quả ứng dụng công nghệ số.

2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng số. Rà soát, ban hành quy chế, hướng dẫn cụ thể giúp các cơ quan triển khai đồng bộ. Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nâng cấp trang thiết bị công nghệ số, bảo đảm an toàn thông tin.

3. Ứng dụng công nghệ số trong các cơ quan Đảng. Số hóa văn bản, tài liệu nghiệp vụ, xây dựng kho dữ liệu dùng chung. Phát triển phần mềm đặc thù phục vụ công tác quản lý, điều hành.

4. Đào tạo nhân lực chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Xây dựng đội ngũ chuyên gia số để tham mưu, triển khai các nhiệm vụ trọng điểm.

5. Đảm bảo an toàn, bảo mật trong chuyển đổi số. Tăng cường an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu quan trọng. Xây dựng quy trình kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý các nguy cơ tiềm ẩn.

6. Đẩy mạnh tuyên truyền, thi đua trong chuyển đổi số. Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn hệ thống chính trị. Tổng kết, đánh giá, khen thưởng các cá nhân, tổ chức xuất sắc trong thực hiện chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là chìa khóa giúp Hà Nội phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và hiệu quả quản lý. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội, Hà Nội đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị thông minh hàng đầu khu vực.

Cao Kỳ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-day-manh-chuyen-doi-so-xay-dung-thu-do-thong-minh-hien-dai-410475.html