Hà Nội đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đạt 24% kế hoạch năm 2024 trong quý 2
Hà Nội thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2024 ước tính đạt 4.686 tỉ đồng, tăng 15,6% so với tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, việc thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng cao so với cùng kỳ và kế hoạch đề ra. Cụ thể, thành phố Hà Nội thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 5/2024 ước tính đạt 4.686 tỉ đồng, tăng 15,6% so với tháng trước và tăng 24,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý thực hiện được 18.700 tỉ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước và đạt 24% kế hoạch năm 2024. Trong đó có nhiều dự án đầu tư trọng điểm của quốc gia và thành phố.
Tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô đi qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh), kết nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai và Nội Bài - Hạ Long có chiều dài 112,8 km với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 85,8 nghìn tỉ đồng. Hiện nay, dự án đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỉ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 9,2%.
Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có chiều dài 2,3 km, mặt cắt ngang 50 m và hợp phần 2 cầu vượt tại nút giao Láng Hạ - Nguyễn Chí Thanh. Điểm đầu tuyến đường giao với đường Cát Linh - La Thành - Yên Lãng tại Hoàng Cầu (quận Đống Đa) và điểm cuối tại nút giao thông Voi Phục (quận Ba Đình).
Mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỉ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5,8 nghìn tỉ đồng. Đến nay dự án đã giải ngân 30,7% kế hoạch vốn.
Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai: Cải tạo 21,7 km, đoạn nút giao Ba La quận Hà Đông đến Thị trấn Xuân Mai huyện Chương Mỹ. Dự án nâng cấp thành 4-6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường được mở 50m-60m góp phần hoàn chỉnh trục đường hướng tâm kết nối Quốc lộ 21A đường Hồ Chí Minh và tuyến đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.
Tổng vốn đầu tư 8,1 nghìn tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó trên 5,1 nghìn tỉ đồng giải phóng mặt bằng; 2,9 nghìn tỉ đồng chi phí xây dựng, mua sắm thiết bị. Đến nay dự án đã giải ngân 7,3% kế hoạch vốn.
Nhiều dự án khác trên địa bàn cũng đang được quan tâm thực hiện như: Dự án tuyến đường cao tốc Đại Lộ Thăng Long, đoạn nối từ Quốc lộ 21 đến cao tốc Hà Nội - Hòa Bình tổng mức đầu tư toàn dự án 5,2 nghìn tỉ đồng, đến nay đã giải ngân 7% kế hoạch vốn.
Dự án Xây dựng Bệnh viện Nhi Hà Nội - giai đoạn với tổng mức đầu tư gần 785 tỉ đồng, đến nay dự án đã giải ngân 50,2% kế hoạch vốn. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2024.
Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỉ đồng thuộc Khu đô thị mới Cầu Giấy đến nay dự án đã giải ngân 74,6% kế hoạch vốn.
Kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm giải ngân vốn đầu tư công đúng mục đích
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội khẳng định: Để thực hiện vốn đầu tư từ ngân sách cho các công trình trọng điểm tại Hà Nội một cách hiệu quả, Ủy ban nhân dân thành phố luôn xác định rõ mục tiêu, phạm vi và nguồn vốn cho từng công trình trọng điểm. Việc lập kế hoạch đầu tư chi tiết sẽ giúp quản lý và sử dụng vốn một cách hiệu quả, tránh lãng phí và thất thoát.
Cùng với đó, Hà Nội tăng cường giám sát và kiểm tra, thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ để đảm bảo việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng tiến độ và đúng chất lượng. Việc kiểm tra định kỳ sẽ giúp phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh và đưa ra biện pháp khắc phục.
Ngoài ra, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cũng mở rộng hợp tác đối tác, tìm kiếm các đối tác có uy tín và kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng để thực hiện các công trình trọng điểm. Hợp tác với các đối tác có thể giúp tận dụng tối đa nguồn lực và kỹ năng để hoàn thành công trình một cách hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin và minh bạch, công bố thông tin về việc sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các công trình trọng điểm một cách minh bạch. Việc này sẽ giúp tạo lòng tin và sự đồng thuận từ phía cộng đồng, đồng thời giúp ngăn chặn các vi phạm.