Hà Nội: Đẩy mạnh thực hiện phân cấp, ủy quyền trong giải quyết công việc
Chiều 3/1, Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020-2025, để đánh giá kết quả công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Chủ động triển khai, thực hiện các nhiệm vụ
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, năm 2023, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện việc quản lý biên chế, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị của Thành phố, theo hướng tinh gọn, hoạt động, hiệu lực, hiệu quả được Ban Chỉ đạo quan tâm, xác định là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, chỉ đạo quyết liệt.
Theo đó, các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị của Thành phố đã chủ động triển khai, thực hiện nhiệm vụ được giao, sáng tạo trong chỉ đạo, khoa học, bài bản, đúng quy định trong tổ chức thực hiện, đồng bộ cả khối đảng, đoàn thể và khối chính quyền. Kết quả thực hiện đã tạo hiệu ứng tích cực, toàn diện trong cả hệ thống chính trị từ Thành phố đến cơ sở. Qua đó, nâng cao tinh thần, trách nhiệm phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, góp phần tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tổ chức, cơ quan, đơn vị và Thành phố.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã tập trung đôn đốc, hướng dẫn triển khai Đề án số 21-ĐA/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, MTTQ, các đoàn thể Thành phố, Báo Hànôịmới, Trường ĐTCB Lê Hồng Phong. Đến nay đã tổ chức triển khai thi tuyển 7 chức danh tại 3 đơn vị làm điểm.
Trong năm 2023, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Thường trực Thành ủy tổ chức kỳ tuyển dụng công chức, viên chức khối cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố cho 854 thí sinh đảm bảo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; trình Thường trực Thành ủy phê duyệt kết quả trúng tuyển đối với 150 thí sinh trên tổng số 184 chỉ tiêu tuyển dụng công chức, viên chức.
Về thí điểm, triển khai một số đề án, mô hình mới, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả và đánh giá sơ kết thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Trong thời gian tới, căn cứ kết luận chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố sẽ phân công các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nội dung theo quy định. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp Thành phố Hà Nội.
Ngoài ra, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Kết quả rà soát năm, toàn Thành phố có 53 tổ chức cơ sở Đảng cần củng cố, trong đó 12 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi và 41 tổ chức cơ sở Đảng diện Ban Chỉ đạo các quận, huyện, thị ủy và đảng ủy trực thuộc theo dõi. Kết quả, đã hoàn thành củng cố đối với 41 tổ chức cơ sở Đảng, đang đề xuất Ban Chỉ đạo Thành phố xem xét đưa 3 tổ chức cơ sở Đảng ra khỏi diện Ban Chỉ đạo Thành phố theo dõi, còn 9 tổ chức cơ sở Đảng cần tiếp tục củng cố chuyển tiếp sang năm 2024.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể Nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, đã thực hiện khảo sát trên 1.200 doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục, y tế ngoài công lập hoạt động theo Luật doanh nghiệp. Năm 2023, toàn Thành phố thành lập được 109/69 tổ chức đảng (đạt 158%), kết nạp 852/453 đảng viên mới (đạt 188,1%), trong đó kết nạp mới được 13 Chủ doanh nghiệp vào đảng. Các tổ chức chính trị - xã hội đã thành lập được 714/480 tổ chức, với 53.804/24.320 đoàn viên, hội viên...
Tập trung chỉ đạo triển khai tốt việc sắp xếp đơn vị hành
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao kết quả công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo nói chung và từng thành viên Ban Chỉ đạo nói riêng. Theo đó, với sự chủ động, tích cực, sáng tạo của Hà Nội trong triển khai những nội dung mới, khó (phân cấp ủy quyền, thí điểm xây dựng định mức, đơn giá) đã được Chính phủ, các bộ, ngành ghi nhận để nghiên cứu, vận dụng vào trong xây dựng cơ chế, chính sách chung.
Về các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Bí thư Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo triển khai tốt việc sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội. Các nội dung Bộ, ngành yêu cầu giải trình phải được tập trung làm rõ trong kế hoạch, cần bổ sung, hoàn thiện để sớm được thông qua và tổ chức thực hiện.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, đối với nhiệm vụ xây dựng vị trí việc làm để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương phải được ưu tiên triển khai, bảo đảm tiến độ theo quy định. Quá trình thực hiện bảo đảm đúng quy định, nhanh, đồng bộ, hạn chế làm xáo trộn.
Bí thư Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Dảng UBND Thành phố chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành, đẩy nhanh tiến độ xây dựng định mức, đơn giá, trước hết là đối với danh mục sự nghiệp công có sử dụng ngân sách. Để khắc phục tình trạng chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ này, Bí thư Thành ủy đề nghị, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố làm rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan, để đôn đốc thường xuyên, chặt chẽ, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và coi đây là vấn đề ưu tiên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. UBND Thành phố chủ động tổng kết, đánh giá 1 năm thí điểm ban hành đơn giá tạm khối giáo dục mầm non để kịp thời rút kinh nghiệm, báo cáo cấp có thẩm quyền, nêu đề xuất cụ thể cho dừng lại hay tiếp tục thực hiện, nhân rộng.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chủ trương phân cấp, ủy quyền, trọng tâm là rà soát, bổ sung các quy trình nội bộ, kiểm tra hướng dẫn việc thực hiện. Đặc biệt, tiếp tục thể chế hóa bằng Nghị quyết của HĐND Thành phố để bảo đảm đúng khuôn khổ pháp lý.
Trưởng Ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế Thành phố Hà Nội cũng lưu ý các cơ quan Thành phố, theo chức năng, nhiệm vụ nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu của cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu, tự giác thực hiện nghiêm Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 7/8/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường kỷ cương, kỷ luật và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội”.
Ngoài các nhiệm vụ cụ thể nêu trên, Bí thư Thành ủy yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án thiết kế đô thị để thí điểm quản lý lòng, hè đường một số tuyến phố tại quận Hoàn Kiếm; tập trung hoàn thành các nội dung quản lý, phát triển Khu di sản Hoàng thành Thăng Long; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án quản lý tài sản công...
Đặc biệt lưu ý tầm quan trọng, ý nghĩa của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Bí thư Thành ủy yêu cầu, Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất đổi mới phương thức hoạt động của Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Mục tiêu là khắc phục hạn chế, tồn tại, phát huy tối đa hiệu quả quản lý, khai thác, nhất là trong thu hút đầu tư, để đưa Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực sự trở thành hạt nhân của thành phố phía Tây.
Về xây dựng Đề án đổi mới mô hình tổ chức và phương thức quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia, đặc biệt di tích lịch sử và quần thể danh lam thắng cảnh Hương Sơn (Chùa Hương), Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu thành lập Ban Chỉ đạo để triển khai xây dựng đề án gắn với triển khai sớm việc quy hoạch khu di tích, danh thắng này. “Điều quan trọng là phải thu hút được đầu tư, đổi mới công tác quản lý. Dù làm theo phương án nào cũng phải gắn với bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể tại địa phương”- Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.