Hà Nội đẩy mạnh xét xử trực tuyến: Hướng pháp luật đến sự công khai, minh bạch và gần dân hơn
'Việc xét xử trực tuyến là đưa công nghệ gần hơn với bộ máy tư pháp và đưa pháp luật hướng đến sự công khai, minh bạch, gần với người dân hơn'. Đây là nhìn nhận, đánh giá của phần lớn các thẩm phán tại Hà Nội trong quá trình triển khai Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Từng bước mở rộng đối với tất cả các loại án...
Mới đây, TAND quận Ba Đình (Hà Nội) đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bằng hình thức trực tuyến tại điểm cầu trung tâm là Phòng xét xử trực tuyến, trụ sở TAND TP Hà Nội và điểm cầu thành phần tại Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội đối với bị cáo Tống Thụy Anh (SN 1974, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Theo bản án sơ thẩm, khoảng 19h30’ ngày 12-4-2022, Tống Thụy Anh điều khiển xe máy đến khu vực phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm) để tìm mua ma túy về sử dụng. Tại trước cửa số nhà 209 Hồng Hà, Thụy Anh mua 1 gói heroin của một người đàn ông không quen biết với giá 100.000 đồng. Mua xong, Thụy Anh cất gói heroin vào trong cốp xe máy rồi đi tìm nơi sử dụng.
Khi đi đến phố Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, Thụy Anh gặp bà Vũ Thị Khánh (bạn của Thụy Anh) và được bạn nhờ chở sang nhà con trai gần Công viên Thủ Lệ. Khi cả hai đi đến ngã tư Liễu Giai - Phan Kế Bính (quận Ba Đình) thì bị Tổ công tác 141 CATP Hà Nội kiểm tra và thu giữ gói heroin. Việc Thụy Anh tàng trữ 1 gói heroin, bà Khánh không biết.
Theo kết luận giám định, gói heroin thu giữ của Thụy Anh có trọng lượng 0,040 gam. Về đối tượng bán ma túy cho Thụy Anh, CQĐT đã tiến hành xác minh nhưng không xác định được lai lịch nên không có căn cứ để xử lý.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa trực tuyến, bị cáo Tống Thụy Anh đều thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của bản thân và mong HĐXX xem xét mở lượng khoan hồng. Sau khi xem xét toàn diện vụ án cùng nhân thân của bị cáo, HĐXX sơ thẩm đã quyết định tuyên phạt Tống Thụy Anh 2 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Cùng ngày, TAND quận Ba Đình cũng đã xét xử trực tuyến đối với hai vụ án liên quan đến tội phạm ma túy khác và lần lượt tuyên phạt cùng mức án 30 tháng tù đối với hai bị cáo trong hai vụ án này.
Không chỉ đối với án hình sự, trung tuần tháng 8 vừa qua, TAND TP Hà Nội cũng đã tiến hành phiên tòa xét xử trực tuyến đầu tiên đối với vụ án hành chính. Vụ án này, ông T. B. N. khiếu kiện đối với Quyết định hành chính của Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong lĩnh vực quản lý đất đai.
Phiên tòa xét xử trực tuyến vụ hành chính đầu tiên này do Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam - Phó Chánh Tòa hành chính (TAND TP Hà Nội) làm chủ tọa với hai điểm cầu gồm Tại trụ sở TAND TP Hà Nội (điểm cầu trung tâm) và điểm cầu thành phần tại trụ sở UBND quận Bắc Từ Liêm.
Phiên tòa trực tuyến diễn ra bảo đảm tại 2 điểm cầu với đầy đủ hình ảnh, âm thanh và các đương sự. Trình tự, thủ tục tố tụng được bảo đảm bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai giúp cho việc tranh tụng đáp ứng đúng yêu cầu, quy định của pháp luật.
Nội dung vụ án thể hiện, người khởi kiện là ông T.B.N. yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hà Nội sửa đổi Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo hướng: Giao UBND quận Bắc Từ Liêm điều chỉnh Quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường bổ sung đối với 13,3 m2 đất đã bị thu hồi để thực hiện Dự án Đầu tư mở rộng đường vành đai III, đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long (Hà Nội).
Tại phiên tòa, HĐXX đã làm rõ tính hợp pháp và có căn cứ của quyết định hành chính bị kiện và các quyết định hành chính có liên quan. Qua tranh tụng, xét thấy yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện là không có căn cứ nên Tòa án Hà Nội đã quyết định bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện.
Theo thống kê của TAND TP Hà Nội, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai việc xét xử trực tuyến, cơ quan này đã tổ chức cho các đơn vị thuộc TAND hai cấp của thành phố Hà Nội xét xử được 121 vụ án hình sự và vụ án hành chính. Trong đó, TAND TP Hà Nội đã xét xử trực tuyến đối với 2 vụ án hành chính và 6 vụ án hình sự. Trong thời gian tới, hai cấp tòa án của Hà Nội sẽ từng bước mở rộng việc xét xử trực tuyến đối với hầu hết các loại án từ.
Đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp
Nói về hoạt động xét xử trực tuyến bước đầu đã được triển khai, Phó Chánh án TAND quận Ba Đình (Hà Nội) Ngô Thị Vân cho rằng, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp.
Xét xử trực tuyến nói riêng, tố tụng trực tuyến nói chung phù hợp với chủ trương của Đảng, các nguyên tắc cơ bản và thủ tục tố tụng do pháp luật quy định và cũng phù hợp với thực tiễn cuộc sống hiện nay, đảm bảo tư pháp không chậm trễ, đồng thời tiết kiệm chi phí xã hội.
Phó Chánh án TAND quận Ba Đình nhấn mạnh, tổ chức xét xử các phiên tòa theo hình thức trực tuyến trước mắt sẽ mang lại những kết quả như: công tác xét xử đã tiếp cận được việc ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng hiện đại hóa, đáp ứng chủ trương, yêu cầu công tác cải cách tư pháp.
Thực hiện các phiên tòa trực tuyến sẽ không cần trích xuất bị cáo từ nhà tạm giữ, tạm giam của huyện hay tỉnh để tham gia phiên tòa. Từ đó sẽ tiết kiệm được chi phí trích xuất, dẫn giải và bảo vệ phiên tòa, bảo đảm được thời gian xét xử.
Phó Chánh án TAND quận Ba Đình Ngô Thị Vân cũng cho biết thêm, cùng với hệ thống Tòa án trong cả nước, TAND quận Ba Đình cũng đang khẩn trương chuẩn bị cơ sở vật chất phòng xử án, trang thiết bị đường truyền trực tuyến cố định từ Tòa án đến UBND quận và các trại tạm giam của CATP Hà Nội, nhằm đưa Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12-11-2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến vào cuộc sống.
Là người trực tiếp "cầm cân nảy mực" một số phiên tòa xét xử trực tuyến thời gian gần đây, Thẩm phán Nguyễn Thị Nhung (TAND quận Ba Đình) nhìn nhận: "Chúng ta đang sống ở thời đại 4.0, khi mà xu thế hội nhập đang là nhu cầu và cũng là xu hướng phát triển. Vì thế, việc xét xử trực tuyến là đưa công nghệ gần hơn với bộ máy tư pháp, đưa pháp luật hướng đến sự công khai, minh bạch và gần với người dân hơn".
Nữ thẩm phán TAND quận Ba Đình còn chỉ ra rằng, phiên tòa trực tuyến có tính an toàn cao cho hội đồng xét xử, khi phải xét xử những vụ án có đương sự phức tạp, rút ngắn thời gian về di chuyển cũng như tiết kiệm được chi phí… Tuy nhiên, những vụ án phù hợp cho việc xét xử trực tuyến sẽ tùy thuộc vào tính chất của từng vụ án, từng địa phương.
Đơn cử như một vụ án ly hôn đơn giản chỉ có 2 đương sự tham gia và cùng cư trú ở một địa phương thì việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là không cần thiết. Ngược lại, phiên tòa trực tuyến sẽ rất phù hợp đối với những vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng hoặc kinh doanh thương mại.
Vì thông thường những vụ án trên luôn có rất nhiều người liên quan, tài sản thế chấp ở nhiều tỉnh khác nhau. Thêm vào đó là thời hạn giải quyết tối đa đối với vụ án dân sự có tính chất phức tạp là 6 tháng. Do đó, để triệu tập được nhiều người tham gia tố tụng như vậy đến phiên tòa xét xử trực tiếp là không hề thuận lợi, dễ dàng.
Vì thế áp dụng phương pháp xét xét xử trực tuyến đối với các vụ án về tranh chấp hợp đồng tín dụng, kinh doanh thương mại hay dân sự nói chung là rất cần thiết, phù hợp. Điều này vừa đảm bảo được tiến độ xét xử trong thời hạn luật định, lại vừa giảm thiểu tối đa các chi phí cho người dân.
Tương tự, việc áp dụng các phiên tòa xét xử trực tuyến đối với một vụ án hình sự có những bị cáo, người tham gia tố tụng phức tạp là rất cần thiết và hiệu quả. Bởi lực lượng bảo vệ phiên tòa thường mỏng, nên ít nhiều cũng ảnh hướng đến tâm lý cũng như sự an toàn của những người tiến hành tố tụng.
Về phần mình, Thẩm phán Nguyễn Hồng Lam - Phó Chánh Tòa Hành chính (TAND TP Hà Nội) đánh giá, phiên tòa trực tuyến không chỉ đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn cho cả lâu dài, khi mà việc áp dụng và triển khai đi vào quy củ, đồng thời khắc phục được những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Việc xét xử trực tuyến nhằm hỗ trợ và dần thay thế phiên tòa trực tiếp, giúp cho Tòa án nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân các cấp. Phiên tòa trực tuyến còn một phần giúp cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn.
Với việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là chủ trương, giải pháp đúng đắn trong thời điểm dịch bệnh cũng như hỗ trợ xử lý giảm tải quá hạn, giúp cho việc giải quyết án được kịp thời, tránh cho đương sự phải di chuyển đi lại tốn kém, giúp cho việc tham gia phiên tòa của các đương sự được đầy đủ hơn, nâng cao hoạt động tranh tụng và hiệu quả trong giải quyết.
Việc đưa vụ án hành chính ra xét xử trực tuyến là một giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án hành chính hiện nay. Trong các vụ án hành chính, việc các đương sự được có mặt đầy đủ tại phiên tòa giúp cho việc tranh tụng được đảm bảo, giảm tải vấn đề mâu thuẫn trong nội dung giải quyết. Phiên tòa trực tuyến với các điểm cầu ở mọi nơi có mặt đầy đủ các đương sự, sẽ khắc phục được trường hợp các đương sự vắng mặt phải hoãn phiên tòa và đảm bảo hơn cho nguyên tắc tranh tụng.
Đặc biệt, phiên tòa trực tuyến còn tạo điều kiện thuận lợi cho người bị kiện sắp xếp công việc tham gia phiên tòa một cách tốt hơn và giảm tải được bức xúc cho người khởi kiện. Từ đó có thể giảm tải được các nội dung tranh chấp.
Cũng theo Thẩm phán, Phó Chánh tòa Hành chính (TAND TP Hà Nội), hiện vẫn còn những băn khoăn về việc phiên tòa trực tuyến sẽ không đảm bảo về tranh tụng. Vì diễn biến phiên tòa không chỉ được thể hiện bằng lời nói mà còn thể hiện qua thái độ, cử chỉ, tâm lý, cảm xúc và sự tương tác kịp thời giữa các bên trong tố tụng. Điều này có tác động rất lớn đến niềm tin nội tâm của thẩm phán, hội thẩm nhân dân cũng như các bên tham gia tố tụng.
Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 và Thông tư số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của TANDTC, Viện KSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp và qua các phiên tòa trực tuyến đã diễn ra thì những băn khoăn nêu trên không đáng lo ngại.
Bởi phiên tòa trực tuyến được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.