Hà Nội: Đẩy nhanh việc thu hồi nợ tiền thuê nhà, đất trong quý III/2022
Trong quý III năm 2022, Sở Tài chính Hà Nội sẽ khẩn trương cùng Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại sơ bộ đôn đốc thực hiện thu hồi nợ tiền thuê nhà.
Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu trả lời chất vấn ngày 7/7. Ảnh: Khánh Linh
Nợ 1.200 tỷ đồng tiền thuê nhà chuyên dùng
Sáng 7/7/2021, tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.
Vấn đề được các đặt biểu đặt ra là hiện nay 802/803 hợp đồng nhà chưa được gia hạn, chưa được ký và có hàng loạt sai phạm trong sử dụng nhà chuyên dùng…
Qua giám sát còn nhiều vấn đề cần khắc phục, vấn đề nợ nghĩa vụ tài chính của các tổ chức cá nhân sử dụng nhà chuyên dùng trên địa bàn thành phố hiện đang là vấn đề nóng. Số tiền nợ thuê nhà chuyên dùng hiện khoảng 1.200 tỷ đồng, xu hướng tăng trong những năm gần đây và thành phố chưa thu hồi được.
Bên cạnh đó, TP.Hà Nội đã có văn băn yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý tài sản công nhưng đến nay quy chế sử dụng, đấu giá nhà chuyên dùng vẫn chưa được ban hành, đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi.
Giám đốc Sở Tài Chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu thông tin, tới đây sẽ yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý nhà Hà Nội cung cấp thông tin và đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị để người dân, các cơ quan quản lý giám sát, nắm bắt được.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội Nguyễn Tiến Dũng cho biết, công ty quản lý 803 điểm nhà chuyên dùng. Sau khi thực hiện thông báo của thành phố gia hạn hoạt động thuê nhà đến hết năm 2018 thì xảy ra một số vướng mắc.
Trong đó, vướng mắc từ thực hiện Luật Quản lý tài sản công, chưa có cơ sở ký tiếp hợp đồng thuê nhà đối với nhà tiêu dùng còn lại. Vừa rồi, thành phố đã bố trí 5 điểm dành cho các đơn vị an ninh, quốc phòng ký hợp đồng; hiện có 6 điểm còn hiệu lực của hợp đồng thuê nhà tiêu dùng.
Đối với 357 điểm vi phạm, hình thành qua quá trình sử dụng, qua nhiều đơn vị quản lý, nguyên nhân chủ yếu sử dụng qua các thời kỳ bố trí cho người vào ở, liên doanh liên kết, cho thuê lại sai mục đích, sử dụng sai mục đích… Trong đó, một số đơn vị hành chính sự nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để nộp tiền thuê nhà.
“Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp, công ty 100% vốn nhà nước nợ tiền thuê nhà, chúng tôi đã báo cáo Sở Tài chính để báo cáo thành phố nhằm làm rõ khoản tiền ngân sách bố trí kinh phí cho khoản này” - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiến nghị.
Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, HĐND TP.Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: Nguyên Phương
Sớm có kế hoạch thu hồi nợ trong quý III/2022
Làm rõ trách nhiệm về việc thu nợ tiền thuê nhà đất, Giám đốc Sở Tài chính cho hay, các tổ chức cá nhân khi thuê nhà phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ tài chính. Đối với các trường hợp này, trách nhiệm quản lý thuộc về Sở Tài chính và đơn vị quản lý nhà. Sở Tài chính cũng nhận trách nhiệm do chưa kịp thời đôn đốc, giám sát việc chi trả tiền thuê của các tổ chức, cá nhân.
Về lộ trình thu hồi nợ, đây là một vấn đề kéo dài, cần lộ trình xử lý. Ví dụ, trụ sở của công ty chiếu phim, các điểm được thuê có mặt bằng rộng, tiền thuê lớn… nhưng trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra, đơn vị không hoạt động được nhưng vẫn phải đóng tiền thuê. Đây là một trong nhưng lý do đơn vị này nợ đến 67 tỷ đồng.
Đối với các trường hợp nợ, theo lãnh đạo Sở Tài chính, đơn vị sẽ rà soát, áp các quy định của pháp luật, nếu có khả năng thu sẽ tiến hành thu nợ, nếu không có khả năng chi trả, đơn vị sẽ áp dụng các quy định để xử lý theo quy định.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Lưu, Sở Tài chính được giao trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và giải quyết các vấn đề. Trong quá trình phát sinh các khoản nợ này, sở đã đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội phân loại và thu nợ. Thời gian tới, Sở Tài chính sẽ khẩn trương cùng công ty phân loại sơ bộ, đôn đốc thực hiện.
Theo đó, đối với khoản nợ của đơn vị hành chính sự nghiệp trung ương sẽ kiến nghị cơ quan chủ quản có biện pháp thu hồi. Đối với tổ chức, cá nhân sẽ phân loại, có biện pháp hành chính để tuyên truyền, vận động. Phía Sở Tài chính cũng tập trung và sớm có kế hoạch thu hồi các khoản nợ trong quý III/2022. Trong trường hợp cần thiết thì đề xuất thành phố thành lập ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện.
Đối với vấn đề đơn giá thuê nhà 10 năm vẫn chưa được thay đổi, ông Nguyễn Xuân Lưu cho biết, Chỉ thị 04/CT-UBND của UBND TP.Hà Nội về việc tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công do Sở Tài chính tham mưu cho Chủ tịch UBND TP.Hà Nội để nâng cao chất lượng. Trong đó có nội dung quan trọng là huy động nguồn lực từ tài sản công. Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay tiến độ thực hiện dự án chưa triển khai được nhiều. Sở sẽ tiếp tục đề xuất trong thời gian tới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.
Đối với 300 quỹ nhà chuyên dùng chưa có phương án sắp xếp, Giám đốc Sở Tài chính cho biết, quá trình thực hiện chủ quản lý có trách nhiệm kê khai. Việc kê khai hết sức khó khăn. Với nội dung này Sở Tài chính đã tổng hợp và đề xuất Bộ Tài chính để sắp xếp phương án xử lý và tiếp tục phối hợp với các sở, ngành thành phố để triển khai.
Liên quan đến 357 trường hợp nhà chuyên dùng có vi phạm, theo Sở Xây dựng Hà Nội, năm 2019, có 801 điểm có hợp đồng và thực hiện quản lý thu tiền thuê theo đúng quy định; có 468 điểm vi phạm. Đến nay, số các công trình có vi phạm còn 357 điểm; số các địa điểm được thu tiền là 376 điểm; tức là số công trình đã được đưa vào quản lý đã nhiều hơn.