Hà Nội: Dè dặt trong đề xuất tổ chức bán trú

Thực hiện chủ trương đẩy mạnh học trực tiếp với học sinh lớp 7 đến 12, các trường học Hà Nội ghi nhận số học sinh đến trường đông đảo, có trường đạt xấp xỉ 100%. Từ đây, việc tổ chức bán trú cho học sinh được nhiều trường tính đến; tuy nhiên vẫn có phần dè dặt.

Nhiều trường ngoài công lập dự kiến bán trú từ 1/4

Trong khi các trường công lập, việc đi học trực tiếp 1 buổi/ngày được thực hiện triệt để, tuân thủ các nguyên tắc, quy định của Sở GD&ĐT và hầu như chưa đề cập đến vấn đề bán trú cho học sinh ở giai đoạn hiện nay- khi dịch bệnh tuy thuyên giảm nhưng vẫn rất phức tạp thì vấn đề bán trú tại các trường ngoài công lập đã được nhiều trường tính đến và có kế hoạch, lộ trình rõ ràng.

Học sinh trường Marie Curie trong niềm vui đi học trực tiếp (Ảnh: FB nhà trường)

Học sinh trường Marie Curie trong niềm vui đi học trực tiếp (Ảnh: FB nhà trường)

Theo Chủ tịch HĐQT trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) Nguyễn Văn Hòa, hiện trường mới cho học sinh khối 12 đi học trực tiếp với tỷ lệ 90%; khối lớp 7-11 sẽ đi học trực tiếp từ ngày 1/4 và dự kiến tổ chức ăn bán trú luôn. Với ưu điểm có nhà ăn riêng nên trường rất thuận lợi cho việc tổ chức chia ca cho học sinh ăn, tránh tụ tập đông người. Tuy nhiên, trước khi quyết định, nhà trường phải xin ý kiến đồng ý của UBND quận và sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Từ 21/3, trường Marie Curie tổ chức cho học sinh lớp 7, 8, 9, 10, 11, 12 trở lại trường học trực tiếp theo thời khóa biểu với tỷ lệ 95,4 %. Trong tuần đầu, trường chưa tiến hành tổ chức bán trú. Hiện, trường đã xin ý kiến Phòng GD&ĐT quận Nam Từ Liêm về việc tổ chức cho học sinh ăn bán trú bắt đầu từ 28/3 hoặc 1/4 với lớp 7, 8, 9. Hiện tại, trường vẫn chờ được phê duyệt của cấp quản lý căn cứ thực tế tình hình dịch bệnh.

Trong khi đó, đại diện Hệ thống trường Ban Mai, quận Hà Đông cho biết, toàn trường vẫn đang học theo hình thức online. Trong tuần sau, Ban giám hiệu sẽ họp về việc đi học trực tiếp trở lại và tổ chức ăn bán trú sau khi có chỉ đạo từ Phòng GD&ĐT quận.

Theo ý kiến của nhiều quản lý các nhà trường, thực tế, việc tổ chức bán trú cho học sinh với khối tiểu học sẽ cần thiết hơn còn với khối THCS, vấn đề bán trú nếu có thì tốt, không có vẫn tạm khắc phục được. Hơn nữa, trong giai đoạn dịch bệnh vẫn còn phức tạp, việc học sinh được đến trường là mừng, nhiều phụ huynh chưa tính đến vấn đề bán trú.

“Tôi nghĩ rằng, việc các trường duy trì học 1 buổi trực tiếp như hiện nay vẫn là hợp lý. Nhưng cũng mong nhà trường thực hiện cho học 2 buổi với học sinh lớp 9: Sáng trực tiếp- chiều trực tuyến; vừa tạo điều kiện cho học trò có thêm kiến thức, vừa giảm áp lực trong công tác phòng chống dịch cho nhà trường”- chị Nguyễn Thu Hạnh, phụ huynh tại quận Hai Bà Trưng nêu ý kiến.

Sớm lên phương án

Trưởng phòng GD&ĐT quận Hà Đông Phạm Thị Lệ Hằng cho hay, các trường THCS công lập trên địa bàn đang đi học trực tiếp theo chỉ đạo và không tổ chức ăn bán trú. Tới đây, các trường sẽ chủ động căn cứ vào điều kiện thực tiễn và ý kiến phụ huynh để lên phương án, tổ chức sớm cho học sinh được ăn bán trú.

Học sinh trường Ban Mai với bữa ăn bán trú trước thời điểm xảy ra dịch bênh (Ảnh: FB nhà trường)

Học sinh trường Ban Mai với bữa ăn bán trú trước thời điểm xảy ra dịch bênh (Ảnh: FB nhà trường)

Cùng quan điểm trên, theo Trưởng phòng GD&ĐT quận Long Biên Vũ Thị Thu Hà, việc thực hiện bán trú chủ yếu ở cấp tiểu học nhưng trên địa bàn quận, một số trường THCS cũng có nhu cầu cho học sinh bán trú để phụ huynh thuận lợi hơn trong việc đưa đón con. Phòng GD&ĐT quận khuyến cáo các trường cần theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để xây dựng phương án bán trú.

Là địa bàn ngoại thành, các trường THCS thuộc huyện Mê Linh không tổ chức bán trú cho học sinh; duy nhất có trường THCS Trưng Vương được phép tuyển sinh trên phạm vi toàn huyện là có bán trú. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thực hiện chỉ đạo học 1 buổi/ngày nên phòng GD&ĐT huyện Mê Linh chưa nhận được đề xuất, kiến nghị của trường này về việc ăn bán trú. “Phòng GD&ĐT huyện Mê Linh đã đề đạt, xin ý kiến về việc cho phép học sinh học lớp 9 học trực tiếp 2 buổi/ngày để thuận tiện cho việc ôn thi vào lớp 10. Chỉ khi được phép tổ chức học 2 buổi/ngày thì các trường mới tính đến phương án tổ chức bán trú”- Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết.

Trước đó, ngày 10/2, Hà Nội tổ chức cho học sinh tiểu học, lớp 6 ngoại thành đến trường học 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú để đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Bên cạnh niềm hân hoan được đi học trực tiếp thì nhiều phụ huynh than thở, việc học 1 buổi khiến họ không tập trung vào công việc được mà chỉ nhấp nhổm đưa đón con. Vấn đề tổ chức bán trú cho học sinh đã được Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến kế hoạch ngay sau đó. Tuy nhiên, dịch bệnh diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng cao trong các cơ sở giáo dục, học sinh tiểu học, lớp 6 tại 18 huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội chuyển học trực tuyến từ 28/2. Đến nay, đối tượng học sinh này vẫn đang học trực tuyến trên phạm vi toàn TP.

Liên quan đến việc tổ chức bán trú cho học sinh, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm: Học sinh đến trường một buổi hay cả ngày không khác nhau nhiều về phòng dịch nên cần tổ chức bán trú ở những nơi có điều kiện; vừa đảm bảo việc học tập của học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh.

Tại Quyết định số 543/QĐ-BGDĐT phê duyệt Sổ tay bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, Bộ GD&ĐT có quy định 5 yêu cầu cần thực hiện khi tổ chức bán trú. Liên quan đến vấn đề trên, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc tổ chức học bán trú khi học sinh Hà Nội đi học trực tiếp trở lại. Bộ đề nghị UBND TP Hà Nội phối hợp chỉ đạo Sở GD&ĐT rà soát điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ mầm non, học sinh đến trường học trở lại. UBND TP Hà Nội đã giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp Sở Y tế, UBND các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện theo chỉ đạo.

5 nguyên tắc khi tổ chức bán trú

Thứ nhất, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế và ngành Giáo dục, trong đó bảo đảm theo nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các học sinh trong cùng lớp và giữa các lớp.

Thứ hai, ưu tiên tổ chức ăn, ngủ, nghỉ ngay tại lớp học; học sinh lớp nào ăn, ngủ riêng theo lớp đó.

Thứ ba, học sinh ăn theo suất riêng, không dùng chung các đồ dùng cá nhân, rửa tay với nước sạch và xà phòng trước và sau khi ăn.

Thứ tư, vệ sinh, khử khuẩn nhà ăn sau mỗi lượt tổ chức cho học sinh ăn (nếu tổ chức ăn ở nhà ăn chung của nhà trường).

Thứ năm, bảo đảm an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-de-dat-trong-de-xuat-to-chuc-ban-tru.html