Hà Nội đề ra nhiều mục tiêu về môi trường giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050
Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, thành phố đặt ra nhiều mục tiêu về môi trường, cảnh quan, trong đó tập trung vào phân loại chất thải rắn, xử lý nước thải đô thị...
Hà Nội đặt mục tiêu tổng quát tới năm 2030 là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, xanh, thông minh, nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực; là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, là cực tăng trưởng có vai trò dẫn dắt kinh tế của cả nước, có tầm ảnh hưởng trong khu vực; là trung tâm kinh tế tài chính lớn; trung tâm hàng đầu về giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thành phố thanh bình, người dân hạnh phúc.
Ngoài những mục tiêu về kinh tế, đối với môi trường, TP Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 6,2%; Diện tích cây xanh đô thị phấn đấu khoảng 10 - 12 m²/người; Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được phân loại tại nguồn, thu gom và xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp dưới 10%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được phân loại tại nguồn đạt 100%, trong đó, tỷ lệ được thu, gom xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 98%.
Tỷ lệ thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt 70%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường đạt 100%; Tỷ lệ dân số đô thị và nông thôn được tiếp cận nguồn nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 100%.
Về đô thị và nông thôn, thành phố hướng đến mục tiêu năm 2030 tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%; Tỷ lệ vận tải công cộng phấn đấu đáp ứng 30 - 40% nhu cầu đi lại của người dân đô thị; Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người tại khu vực đô thị đạt 32 m²; Có 50% tổng số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 30% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn tiệm cận các tiêu chuẩn đô thị.
Đến năm 2050, Thủ đô Hà Nội là thành phố toàn cầu, xanh - thông minh - thanh bình - thịnh vượng, xứng tầm đại diện vị thế nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc, tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển hàng đầu trong khu vực, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trên thế giới; là nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến. Người dân có mức sống và chất lượng cuộc sống cao.
Đối với các nhiệm vụ trọng tâm về môi trường và cảnh quan, thành phố hướng tới giải quyết căn bản ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải bằng công nghệ hiện đại, tuần hoàn, thân thiện với môi trường; xóa bỏ tình trạng ngập, úng cục bộ; làm sống lại các dòng sông, khai thác tiềm năng lợi thế không gian mặt nước của hệ thống sông, ao hồ... thành nguồn lực phát triển.
Phát triển xanh, tăng diện tích cây xanh, xanh hóa khu vực nội đô; giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng năng lượng sạch, tham gia thị trường các - bon, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của quốc gia.
Phát triển giao thông công cộng, cơ bản hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị, đường vành đai, các cầu qua sông Hồng trước năm 2035; giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ của thành phố và khu vực nội đô.
Về đô thị, môi trường và cảnh quan, thành phố đặt mục tiêu phát triển một số khu đô thị mới theo mô hình TOD có hạ tầng đồng bộ, văn minh, hiện đại. Cải tạo, chỉnh trang các khu phố cổ, phố cũ có giá trị về mặt kiến trúc thành phố đi bộ, phát triển kinh tế đêm, không gian văn hóa ẩm thực và lưu trú phục vụ khách du lịch. Cải tạo tổng thể các khu chung cư cũ, khu nhà ở thấp tầng xung quanh khu vực có ga đường sắt đô thị theo mô hình TOD.
Nghiên cứu, xây dựng đập dâng trên sông Hồng, sông Đuống theo Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi để dâng cao mực nước vào mùa cạn tạo không gian cảnh quan, làm sống lại các dòng sông, tạo nguồn cấp nước ổn định phục vụ các hoạt động kinh tế - xã hội Thủ đô và sản xuất trong vùng.
Nghiên cứu phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả quỹ đất hai bên bờ sông Hồng, sông Đuống cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển du lịch, dịch vụ. Phát triển trục sông Hồng là trục trung tâm phát triển của Thủ đô với sự phân bố hài hòa các không gian sinh thái, văn hóa, lịch sử, dịch vụ, du lịch và nghỉ dưỡng, không gian đô thị hiện đại hai bên sông.
Xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách riêng nước mưa, kết hợp hệ thống xử lý nước thải cục bộ với hệ thống xử lý tập trung tại khu vực đô thị, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Nghiên cứu triển khai mô hình tiêu thấm, lưu trữ, thoát nước chống ngập thông minh kết hợp tuần hoàn nước đô thị, giải quyết triệt để tình trạng ngập úng và ô nhiễm môi trường nước.
Đối với các khu xử lý chất thải, thực hiện nghiêm việc phân loại, thu gom, xử lý chất thải, nhất là phân loại chất thải rắn tại nguồn; tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải theo định hướng tuần hoàn; bảo đảm thu gom và vận chuyển chất thải nguy hại theo đúng quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa trong thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải.
Đa dạng hóa các công nghệ xử lý chất thải, áp dụng công nghệ xử lý tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.
Quy hoạch, đầu tư xây dựng, cải tạo các trạm trung chuyển, điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt, tạo thuận lợi cho thu gom và vận chuyển đến các khu xử lý tập trung. Tại khu đô thị, ưu tiên quy hoạch, bố trí trạm trung chuyển, tập kết chất thải rắn sinh hoạt tại không gian ngầm để bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
Tập trung cải tạo môi trường khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Từng bước đóng cửa và phục hồi môi trường đối với các bãi rác tạm, khu chôn lấp đã hết diện tích sử dụng, các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Bổ sung, chuyển đổi các khu xử lý chất thải rắn cấp thành phố không còn phù hợp thành các trạm trung chuyển hoặc khu xử lý cấp huyện; bảo đảm mỗi huyện có ít nhất 01 trạm trung chuyển hoặc khu xử lý chất thải; bố trí trạm trung chuyển cho khu vực đô thị trung tâm.