Hà Nội đề xuất bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch từ cống Liên Mạc
Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội cho biết, đơn vị đang báo cáo Thành ủy về phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc. Đây là phương án được đánh giá hiệu quả và tiết kiệm chi phí.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc BQLDA Đầu tư Xây dựng Công trình cấp nước, thoát nước và môi trường TP Hà Nội, hiện nay Hà Nội đã có nhiều phương án để bổ cập nước sông Tô Lịch sau khi xử lý, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua Hồ Tây. Tuy nhiên, qua khảo sát thực địa theo tuyến, BQLDA đã phối hợp với Sở Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc đề xuất báo cáo thành phố phương án bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc.
Theo ông Hùng, hiện nay trên hệ thống này, một số tuyến đã được xây dựng theo các quy hoạch chuyên ngành, nếu được thành phố phê duyệt thì phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, là hợp quy hoạch. Thứ hai, là tiết kiệm thêm một dự án, Ban sẽ không phải lập thêm 1 dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục để bổ cập nước cho sông Tô Lịch.
Trước đó, đã có nhiều phương án về việc bổ cập nước hồ Tây pha loãng và làm sạch nước sông Tô Lịch. Trong đó, phương án được đơn vị tư vấn đề xuất thành phố đặt trạm bơm cố định nằm cách chân cầu Nhật Tân khoảng 600 m về phía hạ lưu. Hệ thống đường ống xả sau máy bơm gồm 4 ống đường kính 600 mm, kết nối vào đường ống chung có đường kính 1.200 mm, dẫn đến bể xử lý nước cạnh công viên nước hồ Tây.
Tổng chiều dài đường ống dẫn nước khoảng 1.960 m, chạy dọc theo ngõ 464 Âu Cơ - Lạc Long Quận vào ngõ 612 Lạc Long Quân đến mương tiêu cạnh hồ Tây, vào bể lắng xử lý phù sa sông Hồng.
Mỗi ngày, Hà Nội dự kiến bơm hơn 134.000 m3 nước vào hồ Tây (máy bơm sẽ hoạt động 26 ngày/tháng), khi đạt mực nước cần thiết sẽ cho mở các cửa xả ra sông Tô Lịch. Khái toán kinh phí cho dự án khoảng 150 tỉ đồng.
Tuy vậy, góp ý với phương án này, ông Tô Anh Tuấn, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, tỏ ra băn khoăn, "giải pháp bổ cập nước hồ Tây và thông qua hồ Tây tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch được chuyên gia Liên Xô đề cập lần đầu tiên 1981, trong đồ án quy hoạch hoạch tổng thể phát triển Hà Nội", ông Tuấn nói và cho rằng ý tưởng hiện nay của Hà Nội là không mới so với ý tưởng của 40 năm trước đây.