Hà Nội đề xuất các công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp

UBND Thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến đối với dự thảo Quyết định về việc ban hành quy định xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, theo quy định tại khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai. Theo đó, Thành phố có đề xuất các loại công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thời gian qua, tại nhiều quận, huyện của Hà Nội đã xuất hiện những tổ chức, cá nhân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, gồm đa dạng các loại công trình như nhà kho; nhà sơ chế, bảo quản; nhà màng, nhà lưới; nhà trưng bày giới thiệu sản phẩm, chuồng trại chăn nuôi; nhà điều hành, quản lý; nhà bảo vệ; đường đi nội bộ…

Tỷ lệ xây dựng chủ yếu dao động trong khoảng 2,5 – 27,25%, riêng các công trình chuồng trại chăn nuôi, nhà màng, nhà lưới, tỷ lệ xây dựng từ 30 - 100%. Số lượng tổ chức cá nhân có diện tích thửa đất từ 1 – 5ha là 753 cơ sở, từ 5 – 10ha là 32 cơ sở, trên 10ha là 20 cơ sở; đề xuất tỷ lệ xây dựng từ 6,7 – 22,7%, riêng chuồng trại chăn nuôi, nhà màng, nhà lưới đề xuất tỷ lệ xây dựng 60 - 100%.

Nhằm đáp nhu cầu xây dựng công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp của người dân, việc xây dựng và ban hành quy định về xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội là cần thiết.

Theo đó, tại dự thảo Quyết định ban hành Quy định về xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 178 Luật Đất đai quy định, công trình xây dựng trên đất nông nghiệp phải đảm bảo đồng thời các điều kiện: không làm ảnh hưởng đến công trình thủy lợi, công trình đê điều, giao thông nội đồng, diện tích đất liền kề; công trình chỉ được xây dựng 1 tầng, không được xây dựng tầng hầm, chỉ được xây dựng bằng loại vật liệu dễ dàng tháo dỡ;

Việc xây dựng công trình trên đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước; có phương án sản xuất nông nghiệp được UBND cấp xã chấp thuận trước khi thực hiện xây dựng công trình. Việc xây dựng, cải tạo công trình phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan; trường hợp khu đất có nhiều chủ thể có chung quyền sử dụng thì phải có sự thống nhất của các chủ thể trong phương án sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm nguyên tắc: thửa đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và còn thời hạn sử dụng đất; người sử dụng công trình tự tháo dỡ, di dời công trình, hoàn trả lại nguyên trạng đất đai khi quy mô sản xuất giảm không đáp ứng quy định này, hoặc khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước khi thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy định; tuyệt đối không sử dụng công trình xây dựng trên đất nông nghiệp vào mục đích để ở, mục đích phi nông nghiệp…

Các loại công trình được xây dựng trên đất nông nghiệp, gồm: công trình phục vụ chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động. Chiều cao công trình không quá 6m.

Nhà ươm, trồng cây nông nghiệp là nhà được xây dựng bởi các kết cấu khung và được bao quanh bằng màng chất dẻo, tấm nhựa phẳng hoặc các loại lưới, nhằm kiểm soát yếu tố môi trường, sâu bệnh hại và đảm bảo thực hiện thuận lợi các hoạt động ươm, trồng và chăm sóc cây trồng; đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia hiện hành về nhà ươm, trồng cây nông nghiệp. Chiều cao công trình không quá 12m.

Về diện tích đất xây dựng công trình: diện tích đất trồng cây hàng năm khác (để thực hiện phương án sản xuất hoa, cây cảnh) và diện tích đất trồng cây lâu năm có quy mô tối thiểu 10.000m2 trở lên (gồm 1 thửa hoặc nhiều thửa đất liền kề do một chủ thể sử dụng hoặc do nhiều chủ thể có chung quyền sử dụng) thì được xây dựng 1 công trình phục vụ chứa vật tư nông nghiệp, máy móc, dụng cụ lao động. Diện tích công trình tối đa không quá 20m2.

Trên đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm được sử dụng tối đa 100% diện tích để lắp đặt nhà ươm, nhà trồng cây nông nghiệp.

Hoàng Bách

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ha-noi-de-xuat-cac-cong-trinh-duoc-xay-dung-tren-dat-nong-nghiep.htm