Hà Nội đề xuất đánh 5-10% thuế biệt thự, liền kề bỏ hoang
TP Hà Nội vừa có đề xuất áp dụng thuế 5-10% trên tổng giá trị đối với biệt thự bỏ hoang nhằm tránh gây lãng phí tài nguyên đất và chặn đầu cơ.
Trước tình trạng hàng loạt các khu đô thị “ma” bỏ hoang không có người về ở vừa làm mất mỹ quan đô thị và lãng phí tài nguyên đất, TP Hà Nội vừa đề xuất Bộ Tài chính thực hiện phương án đánh thuế hoặc xử phạt đối với chủ sở hữu nhà bỏ hoang, không đưa vào sử dụng.
Theo đó, Hà Nội đề xuất với biệt thự bỏ hoang 3 tháng có thể áp thuế khoảng 5% trên giá trị hợp đồng, còn sau một năm biệt thự vẫn bỏ hoang sẽ bị tính thuế 10% trên tổng giá trị.
Bên cạnh đó, Hà Nội còn đề xuất xử phạt hành chính chủ sở hữu biệt thự, với mức phạt 10-20 triệu đồng/căn, đồng thời kiến nghị Chính phủ áp dụng thu thuế cao lũy tiến đối với người mua từ ngôi nhà thứ hai trở lên.
Theo ghi nhận của PV, tình trạng các ngôi biệt thự, liền kề bỏ hoang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn Hà Nội nhất là tại các khu đô thị, dự án ven đô như khu đô thị Thiên Đường Bảo Sơn; khu đô thị Nam An Khánh, khu đô thị Vân Canh, khu đô thị Ledico; khu biệt thự Vườn Cam - Orange Garden...
Mới đây, làm việc với Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu cần có chính sách điều tiết thị trường bất động sản bằng quản lý nhà nước, bằng cơ chế thuế, tránh tình trạng dòng vốn chỉ chảy vào chung cư cao cấp, biệt thự, mua để đấy không sử dụng.
Nhận định về vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng, Hà Nội đề xuất đánh thuế đối với nhà đất bỏ hoang là cần thiết và hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, biệt thự bỏ hoang là sự lãng phí cả về sử dụng đất, công trình và mất mỹ quan đô thị. "Biệt thự bỏ hoang chỉ là một phần, lãng phí nhất chính là đất bỏ hoang, bị găm giữ. Vì vậy, nên đánh thuế cao để tránh lãng phí tài nguyên đất", ông Đính chia sẻ.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (chuyên gia kinh tế) cho rằng, các khu đô thị bỏ hoang đang gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội, là một trong vấn đề cần có cơ chế chính sách giải quyết để sử dụng hợp lý.
“Biện pháp đánh thuế có lẽ hợp lý với trường hợp sở hữu nhiều nhà không sử dụng. Các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần có nghiên cứu kỹ để đưa ra chính sách, đề xuất chính sách thấu đáo vừa có cơ sở khoa học vừa có thực tiễn”, ông Thịnh nêu quan điểm.