Hà Nội đề xuất hạ thấp mặt đê từ cầu Chương Dương đến Lương Yên, giữ nguyên tường bê tông
Làm việc với Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội đã đề xuất 15 vấn đề, trọng tâm là quy hoạch thoát lũ ngoài bãi sông Hồng và cải tạo một số tuyến đê sông Hồng đoạn trong nội thành để bảo đảm giao thông…
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội báo cáo tại buổi làm việc chiều nay, 8-7, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất giải pháp thiết kế xây dựng cải tạo tuyến đê hữu Hồng đoạn từ ngõ 124 Âu Cơ đến nút giao Lạc Long Quân (đoạn 3) trong tổng thể phương án cải tạo đê hữu Hồng từ khách sạn Thắng Lợi đến nút giao cầu Nhật để đảm bảo khớp nối và khả năng tiếp cận giao thông.
Đối với đoạn đê hữu Hồng từ cầu Chương Dương đến cây xăng Lương Yên, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất phương án giữ nguyên tuyến tường bê tông cốt thép phía thượng lưu, hạ thấp tuyến đường đê phía trên xuống cùng cao độ mặt đường phía dưới.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết thêm, trước đây thành phố cũng đã cùng với Bộ NN&PTNT thống nhất theo hướng quy hoạch đê sông Hồng kết hợp với đường giao thông là thuận tiện nhất. Nếu kết hợp giữa 2 chức năng này, đoạn sông Hồng qua nội thành sẽ giống như sông Hàn (Hàn Quốc).
“Làm như vậy, chúng ta sẽ có con đường chạy từ cầu Thăng Long đến Vĩnh Tuy rất thuận tiện. Còn về cao trình đê 13,2m được thống nhất thì sẽ đảm bảo phân lũ với tần suất tới 500 năm mới có một lẫn lũ lớn. Theo thẩm quyền quy hoạch thoát lũ hiện nay thuộc thẩm quyền của Bộ NN&PTNT, do vậy đề nghị Bộ hoàn thiện luôn hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt” - ông Chung đề xuất.
Trao đổi với những đề xuất của thành phố Hà Nội, tại buổi làm việc, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai – Bộ NN&PTNT cho biết, các tuyến đê của thành phố có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng còn rất nhiều công trình xung yếu. Riêng đê sông Hồng qua nội thành Hà Nội phải đảm bảo trường hợp lũ lớn hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng 500 năm mới có một lần.
Chẳng hạn, với ý kiến cải tạo đoạn đê Hữu Hồng từ ngõ 124 Âu Cơ đến Lạc Long Quân, ông Trần Quang Hoài nêu đây là vị trí xung yếu đã từng xảy ra vỡ đê. Trong quá trình làm việc đã mời các Viện chuyên môn về thủy lợi và đê điều cùng làm việc nhưng cơ sở chưa đầy đủ về cao trình đề là 13 hay 13.5, 1 cốt hay 2 cốt.
Còn đối với đoạn đường đê từ Cầu Chương Dương đến cây xăng Lương Yên, để tháo dỡ theo phương án của Hà Nội, ông Hoài cho rằng cần tính toán di chuyển đất trong lòng đê để bảo đảm an toàn.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng cho biết, theo Luật Quy hoạch mới thì Quy hoạch về lũ nằm trong quy hoạch về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đối với việc cải tạo chỉnh trang bãi sông, Tổng cục mong muốn Hà Nội xây dựng phương án quy hoạch lũ trong phát triển kinh tế của địa phương. Tổng cục sẽ xây dựng một bộ phận phối hợp với Hà Nội để triển khai.