Hà Nội: Đi chợ thời 4.0, người dân không cần mang ví tiền
Thay đổi thói quen đi chợ, nhiều người dân chỉ cần mang theo 1 chiếc điện thoại đã có thể thanh toán mọi thứ chỉ bằng cách quét mã QR.
Một bó rau, bìa đậu cũng có thể chuyển khoản
Tiện đường tan làm, anh Nguyễn Như Phong (Cầu Giấy, Hà Nội) tranh thủ ghé qua chợ Nghĩa Tân để mua sắm. Dù không mang tiền mặt nhưng anh vẫn thỏa thích lựa chọn mọi hàng hóa từ rau xanh đến thịt.
Khi tìm được sản phẩm muốn mua, anh Phong được các tiểu thương chỉ chỗ mã quét QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Tương tự, từ khi chuyển sang thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, chị Thanh Huệ (Thanh Xuân, Hà Nội) không còn lo bị kẻ gian móc túi hay rơi ví.
“Hơn 3 tháng nay, tôi chưa cầm đồng tiền mặt nào đi chợ. Khi đi chợ chỉ cần mang chiếc điện thoại đi, muốn mua gì cũng được vì tôi thấy cửa hàng nào cũng có hệ thống quét mã QR. Tiện lợi cho cả người bán lẫn người mua” - chị Huệ chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên tại hầu hết các chợ truyền thống, chợ cóc tại địa bàn TP Hà Nội như chợ Hàng Bè (Hoàn Kiếm), chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chợ Thành Công (Ba Đình),... có đến 90% các hộ kinh doanh đã sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR.
Tại chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy), mô hình này đã được sử dụng cách đây một thời gian và rất hiệu quả. Theo quan sát, từ quầy rau củ quả đến khu thịt, quầy ăn uống tại chỗ, các tiểu thương đều dán kèm mã QR in sẵn được treo trước quầy để tiện cho người tiêu dùng thanh toán.
Thậm chí, nhiều quầy thực phẩm còn cung cấp dịch vụ mạng internet miễn phí để tiện cho việc thanh toán nhanh chóng của người dân.
Theo các tiểu thương bán hàng ở chợ cho biết, họ rất ủng hộ người đi mua hàng thanh toán bằng hình thức quét mã, vừa không phải lo đi đổi tiền lẻ để trả lại khách, cũng không phải mất công đọc số tài khoản, nhiều khi khách đông, khách nghe nhầm nên thao tác chuyển khoản mất thời gian.
“Buôn bán tại chợ, tôi rất cần tiền lẻ để đổi trả cho khách. Nhưng từ khi người tiêu dùng chuyển sang hình thức quét mã, tôi không còn lúng túng khi rơi vào trường hợp hết tiền lẻ hay trả nhầm tiền cho khách. Khách chỉ cần quét mã và một vài thao tác đơn giản là đã nhận được tiền” - bà Thu, tiểu thương tại chợ Thành Công cho biết.
Bà Thu Hằng, tiểu thương tại chợ Thành Công cho biết, lượng người thanh toán không dùng tiền mặt chiếm đa số. Nhiều khách hàng sẵn sàng rời đi mua hàng khác nếu cửa hàng không có sẵn mã QR.
Hiện nay, không chỉ những người trẻ mà các khách hàng, thương lái trung niên cũng đã quen thuộc với việc sử dụng ví điện tử hoặc Smart banking để mua, bán hàng. Xu hướng này sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới, tác động vào thói quen buôn bán của nhiều hộ kinh doanh.
Xu hướng tiêu dùng mới đang ngày càng phổ biến
Tại Hà Nội, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang tăng trưởng mạnh cả về số lượng và giá trị giao dịch. Số lượng người trưởng thành có tài khoản ngân hàng tiếp tục tăng.
Hiện nay, các ngân hàng hiện nay đều theo xu thế miễn phí giao dịch, thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu. Hơn nữa, để khuyến khích người dùng chi tiêu qua ví điện tử, ứng dụng ngân hàng,… nhiều tổ chức tài chính cũng liên tục đưa ra các chương trình chiết khấu, khuyến mãi hấp dẫn khi thanh toán online. Nhờ đó, QR Code đang nở rộ khắp nơi.
Có thể thấy, sử dụng mã QR Code sẽ góp phần đơn giản hóa quy trình, giảm chi phí xử lý giao dịch với các nhà cung cấp dịch vụ tài chính mà ở đây là các ngân hàng, fintech,…
Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử (TMĐT) đạt 45%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn TMĐT đạt 65%; website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên sàn TMĐT (gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT) đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động đạt 35%.
Bài và ảnh: Thu Hiền