Hà Nội di dời hơn 200 người dân khu vực nguy hiểm tránh bão

Trước khi bão số 3 đổ bộ vào TP Hà Nội, lực lượng chức năng các quận, huyện đã kịp thời di dời hơn 200 người dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.

Chiều 7/9, Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội đã có báo cáo Thường trực Thành ủy về công tác ứng phó bão số 3 (tính đến 16 giờ ngày 7/9).

Bảo đảm an toàn cho Nhân dân ở mức cao nhất

Theo Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, về diễn biến của bão số 3, dự báo chiều và đêm 7/9, trên địa bàn Hà Nội có gió mạnh cấp 4, cấp 5, sau tăng lên giật cấp 9, cấp 10. Thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ chiều tối đến đêm 7/9.

Về lượng mưa, xuất hiện mưa diện rộng từ chiều ngày 06/9/2024, tính đến 7 giờ ngày 07/9/2024, lượng mưa phổ biến từ 10mm đến dưới 50mm, cá biệt có Mỹ Đức (điểm đo tự động tại UBND) 63mm, Sơn Tây (trạm khí tượng) là 60,2mm, Ba Vì 50,8mm (trạm khí tượng). Lượng mưa từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 07/9 các nơi phổ biến từ 30-50 mm.

Mưa bão khiến cây đổ trên địa bàn phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

Mưa bão khiến cây đổ trên địa bàn phường Khương Mai (quận Thanh Xuân)

Mực nước các sông chính, sông nội địa trên địa bàn Hà Nội đang ở mức thấp, dưới báo động I. Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn TP đang cao, xấp xỉ mực nước thiết kế và xả tràn. Thời điểm hiện tại, hồ Thác Bà đang mở 2 cửa xả mặt, hồ Hòa Bình mở 1 cửa xả đáy.

Trên cơ sở nội dung chỉ đạo tại các văn bản, cuộc họp của Trung ương và TP, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Theo chỉ đạo của sự phân công của Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND TP, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo UBND TP, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN TP, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp tục, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm, xung yếu kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó với bão. Một số địa phương đã và đang được các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, lãnh đạo Ban Chỉ huy TP trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc như Ba Đình, Chương Mỹ (ngày 6/9), Quốc Oai, Thanh Oai (ngày 7/9)…

Về triển khai ứng phó, khắc phục: ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và TP; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm: chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...) nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở mức cao nhất, chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới (chủ động chỉ đạo các trường cho toàn bộ học sinh trên địa bàn TP nghỉ học ngày 7/9).

Kịp thời di dời người dân tránh bão

Cùng với đó, theo Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, một số hoạt động di dời người dân đến nơi an toàn: ngay trong đêm 6/9/2024, 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai (được xây dựng cách đây từ năm 1964, nay đã xuống cấp, thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đã được chính quyền quận Hoàng Mai di dời đến Trường Tiểu học Tân Mai cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi bão Yagi đổ bộ.

Toàn thể người dân được di chuyển đều đồng thuận; tại nơi ở tạm, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành, đoàn thể để hỗ trợ dân di dời.

Cùng đó, di dời 25 hộ dân (75 nhân khẩu) tại Tập thể 3 tầng khu nhà liên cơ, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai đến Nhà văn hóa Liên Cơ và khách sạn An Vinh (Pháp Vân, xã Tứ Hiệp).

Tại phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, đã vận động 46 hộ dân (162 nhân khẩu) khu vực gần bờ sông Hồng đã chủ động sơ tán về nhà họ hàng, người quen, trong đó có 65 công dân đưa về nơi sơ tán an toàn trong trường học; di chuyển 5 công dân (nhà gỗ số 17) về trường học; di chuyển 16 người trên thuyền neo đậu đi tránh trú bão tại nhà người thân.

Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm và Công an phường vận động người dân nhà G6A Thành Công di dời tránh bão

Chủ tịch UBND phường Thành Công Ngô Ngọc Lâm và Công an phường vận động người dân nhà G6A Thành Công di dời tránh bão

Tại quận Ba Đình, đã di dời 3 hộ (11 nhân khẩu) tại tòa nhà G6A Thành Công (tòa nhà trong diện xây dựng lại, các hộ dân đã di dời, còn lại 3 hộ kiên quyết không di dời) đến Nhà văn hóa phường và Trường Mầm non Họa Mi.

Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Sơn Tây di dời tránh bão 2 hộ dân.

Cây đổ đã làm 2 người chết, 7 người bị thương

Về tình hình cây đổ, cành gãy và các thiệt hại liên quan, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội, tính đến 15 giờ 30 ngày 7/9, có 484 cây đổ, cành gãy, trong đó có 198 cây đổ (Hai Bà Trưng 12 cây, Hoàn Kiếm 11 cây, Ba Đình 5 cây, Đống Đa 21 cây, Cầu Giấy 22 cây, Thanh Xuân 21 cây, Long Biên 17 cây, Đại Lộ Thăng Long 57 cây, Hà Đông 5 cây, Hoàng Mai 20 cây, Nam Từ Liêm 5 cây, Bắc Từ Liêm 1 cây, tuyến Hà Nội - Hưng Yên 1 cây) và 286 cành gãy. Ngoài ra, huyện Thanh Trì 39 cây, Ba Vì 11 cây, Đông Anh 7 cây, thị xã Sơn Tây 143 cây (đã được khắc phục), Hoài Đức 1 cây. Đan Phượng 5 cây, Thanh Oai 3 cây, Thường Tín 4 cây (đã được khắc phục), Phúc Thọ 77 cây.

Trong đó, cây đổ đã làm 2 người chết và 7 người bị thương. Cụ thể, trên địa bàn quận Nam Từ Liêm ghi nhận: chiều ngày 6/9 có 2 người (nam sinh năm 1964 và nữ sinh năm 1968) bị thương do cây đổ tại khu vực đường Tú Mỡ, được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện E. Tuy nhiên, đến 10 giờ ngày 07/9/2024, UBND quận nhận được thông tin: 1 người (sinh năm 1964) đã tử vong tại bệnh viện, 1 người bị thương (sinh năm 1968) đã được cho xuất viện về nhà.

Tại quận Hoàng Mai, có 1 trường hợp cây đổ chiều ngày 6/9 làm 1 người chết (nữ, sinh năm 1983) và 1 người bị thương (nam, sinh năm 1992), cây đổ làm một số phương tiện giao thông trên địa bàn quận bị hư hỏng.

Cây đổ cũng đã làm 5 người khác bị thương: quận Hoàn Kiếm (2 nữ và 1 nam), quận Hai Bà Trưng (1 nữ và 1 nam).

Ngoài ra, cây đổ cũng đã làm một số phương tiên giao thông hư hỏng như 1 xe ô tô 4 chỗ và 1 xe ô tô khách tại quận Hà Đông, 1 xe máy tại quận Hai Bà Trưng, 2 xe máy tại quận Hoàn Kiếm, 1 xe ô tô quận Long Biên, 1 xe máy và 1 ô tô tại quận Nam Từ Liêm.

Đối với công tác vận hành trạm bơm để phòng, chống úng, ngập, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 (mới), Trạm bơm Đồng Bông 2 vận hành 3/3 bơm; Trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 2/4 bơm; Trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Trì) vận hành 1/4 bơm; Trạm bơm Yên Sở vận hành 5/15 bơm khẩn cấp. Công ty Thủy lợi, đến 15h30 ngày 7/9/2024, vận hành 22 trạm bơm tiêu với 105 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 567.000m3/h.

Về tình hình ngập úng, khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội, đến thời điểm 15 giờ 30 ngày 7/9, trên địa bàn Hà Nội không có điểm úng ngập. Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các công ty thủy lợi, tính đến thời điểm 15 giờ 30 ngày 7/9, xuất hiện một số điểm ngập úng (huyện Phúc Thọ), 2ha lúa bị ngập sâu (huyện Thạch Thất). Diện tích lúa bị đổ do gió, bão khoảng 3.559 ha (huyện Ba Vì 40ha, Chương Mỹ 85 ha, Đan Phượng 1,2ha, Mê Linh 1,0ha, Phú Xuyên 348,7ha, Phúc Thọ 56ha, Sơn Tây 50ha, Thường Tín 670ha, Ứng Hòa 2.000ha).

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-di-doi-hon-200-nguoi-dan-khu-vuc-nguy-hiem-tranh-bao.html