Hà Nội - điểm đầu tư hấp dẫn của công nghiệp bán dẫn

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, ngành công nghiệp bán dẫn đã trở thành trụ cột quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Hà Nội, với vị trí chiến lược và tiềm năng phát triển vượt trội, đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này.

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP

Các doanh nghiệp trao đổi thông tin phát triển sản phẩm tại Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn Hà Nội năm 2024. Ảnh: VGP

Nhiều tiềm năng và cơ hội lớn

Tại buổi tọa đàm ''Tiềm năng và thách thức thu hút đầu tư nước ngoài công nghiệp bán dẫn tại Hà Nội'' do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) tổ chức trong khuôn khổ chuỗi sự kiện “Ngày hội kết nối đầu tư công nghệ bán dẫn 2024” mới đây, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã và đang thu hút nhiều tập đoàn lớn trong ngành bán dẫn của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... đến tìm hiểu và đầu tư. Đặc biệt, Hà Nội với vị trí chiến lược và nhiều lợi thế đặc thù, đang có tiềm năng và cơ hội lớn để phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

“Luật Thủ đô năm 2024 xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội”, ông Nguyễn Trần Quang thông tin.

Tại phiên thảo luận, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhận định, có hai viện hàn lâm khoa học, hàng chục trường đại học với đội ngũ giáo sư, chuyên gia hàng đầu về khoa học, công nghệ; số lượng doanh nghiệp ngày càng tăng…, Hà Nội hiện có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp sản xuất linh kiện bán dẫn.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Trần Quang, thời gian qua, thành phố Hà Nội không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tích cực rà soát các thủ tục hành chính, đơn giản hóa và đẩy nhanh thời gian nhận, xử lý các thủ tục, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp... góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố.

Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội 2024 thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Lê Phú

Triển lãm kết nối, xúc tiến đầu tư, giao thương ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội 2024 thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Lê Phú

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung là điểm đến đầu tư, gia tăng sản xuất. Điển hình như Apple đã chuyển 11 nhà máy vào Việt Nam; hãng công nghệ Intel mở rộng giai đoạn 2 nhà máy kiểm định vi mạch ở thành phố Hồ Chí Minh với vốn đầu tư 4 tỷ USD tới năm 2025; Boeing, Google và Walmart đã công bố kế hoạch mở rộng mạng lưới nhà cung cấp và cơ sở sản xuất tại Việt Nam sau khi nghiên cứu thị trường.

Ngoài ra, Việt Nam có dự trữ khoảng 22 triệu tấn đất hiếm, bằng một nửa số đất hiếm của Trung Quốc. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc làm chủ nguồn nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có lợi thế trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, công nghệ tương lai. Đáng chú ý, tổ chức nghiên cứu Savills cũng chỉ ra, sự gia tăng đột ngột doanh số xuất khẩu điện tử và điện thoại phản ánh quá trình nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị. Với những tiềm năng kể trên, Hà Nội được nhận định là một trong những tỉnh, thành phố phát triển ngành công nghiệp chế tạo bán dẫn của cả nước.

Tập trung ban hành cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 15 năm trước, Việt Nam đã đầu tư hàng trăm triệu USD cho nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm, trong đó có phòng thí nghiệm liên quan công nghệ bán dẫn với hơn 4 triệu USD. Cùng với đó, Việt Nam cũng tham gia chuỗi bán dẫn toàn cầu với tư cách nhà sản xuất, lắp ráp và kiểm định mới nổi (OSAT - chiếm 6% giá trị sản phẩm bán dẫn). Theo tầm nhìn trung hạn, Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm OSAT trong khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, Việt Nam hiện nay thiếu các khâu cơ bản của hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn gồm công nghệ, chuỗi, nhân lực, vốn, dữ liệu, năng lượng. Trước những thách thức trên, để tạo động lực phát triển, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên nhận định, nước ta cần sớm thực thi chương trình cải cách, chuyển đổi hệ giá trị phát triển, xác lập các thách thức đúng tầm. Đồng thời, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp mới, tăng cường chương trình quốc gia đào tạo nhân lực ngành bán dẫn. Đáng chú ý, Việt Nam cũng nên nghiên cứu về chiến lược phát triển năng lượng tái tạo như hydrogen. Quan trọng hơn cả, Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước cần mở rộng các chương trình tăng cường nội lực, năng lực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp quốc gia.

Để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết, thành phố Hà Nội sẽ tập trung ban hành cơ chế, chính sách phù hợp, phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ; kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình chuyển hướng hoạt động sang lĩnh vực công nghệ số, đầu tư nghiên cứu công nghệ lõi; chủ động nghiên cứu thị trường, lựa chọn định hướng nghiên cứu phù hợp, phát triển và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Vietnam… Đồng thời, thúc đẩy phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung; ưu tiên trong việc lựa chọn thử nghiệm, đầu tư, thuê, mua sắm các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số của các doanh nghiệp; hợp tác nghiên cứu, đào tạo về công nghệ số với các trường đại học, cao đẳng; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên nền tảng số…

Thanh Hiền

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-diem-dau-tu-hap-dan-cua-cong-nghiep-ban-dan-673839.html