Hà Nội: Đình và chùa Tây Vị đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố

Ngày 13.4 đã diễn ra lễ đón nhận Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố Đình Tây Vị và Chùa Tây Vị (Linh Sơn tự) thuộc xã Thanh Mỹ (thị xã Sơn Tây).

Theo sử sách để lại, từ khi xây dựng di tích, trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đình, chùa Tây Vị là nơi hội họp của nhân dân trong kháng chiến.

Lãnh đạo xã Thanh Mỹ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố đình và chùa Tây Vị

Lãnh đạo xã Thanh Mỹ đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố đình và chùa Tây Vị

Trong kháng chiến, địa bàn xã Thanh Mỹ được Tỉnh ủy, Huyện ủy chọn làm nơi ở và làm việc của lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ kháng chiến của tỉnh, huyện.

Nhiều chủ trương được đưa ra như thực hiện vườn không, nhà trống, đào hào giao thông đắp và làm các chướng ngại vật trên các tuyến đường, phá các cầu: Cầu Cộng, cầu Ái Mỗ, cầu Trắng, cầu Hang. Đào các tuyến đường giao thông 87-88 (nay tỉnh lộ 413-414).

Nhân dân làng Tây Vị vừa tích cực sản xuất, chiến đấu, đóng góp cho kháng chiến, vừa động viên con em ttrong làng đi tòng quân giết giặc trên chiến trường góp phần vào nền hòa bình của đất nước, độc lập của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng chúc mừng xã Thanh Mỹ, đồng thời đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Thanh Mỹ, thôn Tây Vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gần với việc giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc; ý thức giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng phát biểu

Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Lê Đại Thăng phát biểu

“Ngày 28.2.2025, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1168/QĐ-UBND, công nhận đình và chùa Tây Vị là Di tích lịch sử - nghệ thuật cấp thành phố. Việc đón nhận Bằng công nhận hôm nay mới chỉ là bước khởi đầu, trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị của di tích vẫn còn là một chặng đường dài.

Tôi mong rằng, chính quyền và nhân dân thôn Tây Vị sẽ tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống tốt đẹp, góp phần làm cho di tích đình – chùa Tây Vị ngày càng trở thành địa điểm văn hóa tâm linh tiêu biểu của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây bày tỏ.

Ông Phùng Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ Phùng cho biết: chùa Tây Vị trải qua nhiều biến thiên trong lịch sử, nhưng đến nay vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị lịch sử-văn hóa. Những dấu vết vật chất hiện còn lưu giữ, các công trình kiến trúc của chùa còn bảo lưu được nhiều yếu tố nguyên gốc đã chứng minh chùa được khởi dựng từ thời Nguyễn.

Chùa hiện còn bảo tồn được tòa Tam bảo hình chữ Nhị gồm tiền đường và thượng điện, mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Các di vật khác như bia đá, hoành phi, câu đối, tượng thờ… có giá trị về nghệ thuật.

Chùa Tây Vị không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là trung tâm sinh hoạt tôn giáo, một biểu tượng cố kết cộng đồng từ xưa đến nay. Sự tồn tại của ngôi chùa là minh chứng cho thấy sự hưng thịnh và tầm ảnh hưởng của Phật giáo đối với người dân nơi đây.

Một tiết mục nghệ thuật tại lễ đón nhận

Một tiết mục nghệ thuật tại lễ đón nhận

Đến nay, mặc dù các phong tục, sinh hoạt tín ngưỡng đã giản lược hơn, nhưng vẫn tiếp tục được duy trì các lễ tiết chính, thể hiện sự đoàn kết của cộng đồng dân cư.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, căn cứ vào hệ thống di vật, sắc phong và các tài liệu trong dân gian của làng Tây Vị, các nhà khoa học nhận định đình Tây Vị được xây dựng khoảng vào năm (1716 - 1720), thế kỷ XVIII. Tuy nhiên, đình đã bị tiêu thổ kháng chiến vào năm 1964. Trước khi bị phá hủy, đình Tây Vị là một công trình lớn, kiến trúc gồm 5 gian 2 chái, hình chữ Nhất.

Trong đình còn có sàn gỗ để phân ngôi thứ trong làng. Hai bên sân còn có tả - hữu vu để phục vụ ngày hội của làng. Trong suốt thời gian dài từ năm 1964-1996, người dân đã chuyển đồ thờ tự về chùa Tây Vị để tạm, các nghi lễ thờ cúng Thành hoàng cũng bị gián đoạn.

Năm 1996, nhân dân đã cùng nhau khôi phục lại đỉnh Tây Vị như hiện nay để làm nơi thờ Thành hoàng, năm 2022 tôn tạo lại hai nhà tả - hữu vu để làm nơi chuẩn bị lễ hội và tiếp khách…

Ngày nay, lễ hội chính của đình Tây Vị có liên kết chặt chẽ với các lăng thờ Tản Viên Sơn thánh, được duy trì mỗi năm một lần. Hội đình Tây Vị thể hiện lòng thành kính của người dân nơi đây với đức Thành hoàng Tản Viên Sơn Thánh.

Lễ hội chính được tổ chức định kỳ 3 năm một lần, diễn ra từ ngày 14 - 16 tháng 9 (Âm lịch) hằng năm để kỷ niệm ngày hóa của Thành hoàng, trong đó ngày 15 là ngày chính tiệc.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, đình và chùa Tây Vị không chỉ là nơi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân mà còn là biểu tượng văn hóa, nơi hội tụ tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng, giáo dục truyền thống yêu nước, hiếu nghĩa cho các thế hệ con cháu.

X.QUANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/van-hoa/ha-noi-dinh-va-chua-tay-vi-don-nhan-danh-hieu-di-tich-lich-su-nghe-thuat-cap-thanh-pho-127627.html