Hà Nội: Doanh nghiệp bán lẻ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản Hải Dương
Nhằm chung tay hỗ trợ người dân các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh... Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa tại hệ thống bán lẻ.
Nguồn cung hàng hóa sau Tết Nguyên đán dồi dào, giá cả ổn định. Đặc biệt, các doanh nghiệp bán lẻ trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đẩy mạnh hỗ trợ các địa phương Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ nông, thủy sản.
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản
Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết ước tính trong đợt hỗ trợ tiêu thụ nông sản lần này, siêu thị Co.opmart sẽ bù chi phí để có thể bán ra khoảng 200-300 tấn với thời gian dự kiến trong 1 tháng hoặc cho đến khi tổng lượng nông sản cơ bản được tiêu thụ ổn định.
Hiện tại, hệ thống của Co.opmart tại một số huyện ngoại thành Hà Nội đang bán su hào, cà chua, bắp cải... của Hải Dương.
“Nguồn hàng nông sản giải cứu lần này chủ yếu tiêu thụ từ các hợp tác xã có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và có biện pháp kiểm soát chất lượng đảm bảo an toàn, không thu mua giải cứu đại trà những sản phẩm không rõ nguồn gốc,” đại diện Co.opmart Hà Nội cho hay.
Còn tại hệ thống siêu thị GO!/ Big C (một thành viên của tập đoàn Central Retail tại Việt Nam) đã thực hiện chương trình đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản nhằm hỗ trợ nông dân Hải Dương giảm bớt thiệt hại về kinh tế.
Theo đó, từ ngày 22/2, hệ thống siêu này áp dụng chương trình bán hàng với giá ưu đãi các loại nông sản của tỉnh Hải Dương, gồm: Cà rốt, cà chua, su hào, bắp cải, súp lơ, hành lá…
Dự kiến, trong 1 tuần, GO! / Big C miền Bắc sẽ tiêu thụ khoảng 70 tấn nông sản của Hải Dương và sẽ tiếp tục tiêu thụ các sản phẩm của Hải Dương cho đến cuối mùa vụ, nhằm chung tay giúp người nông dân bớt thiệt hại nhất có thể.
Hệ thống siêu thị MM Mega Market Việt Nam cũng công bố kế hoạch “Đồng hành cùng nông dân Hải Dương” nhằm thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại Hải Dương do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cụ thể, siêu thị này đã đặt mua chuyến hàng đầu tiên khoảng 24,3 tấn rau quả bao gồm su hào, cải bắp... được chuyển từ Hải Dương về phân phối tại các trung tâm của MM Mega Market tại Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành khu vực phía Bắc.
Dự kiến, thời gian tới doanh nghiệp sẽ tiếp tục các chương trình để hỗ trợ nông sản từ các địa phương.
Tránh việc đội lốt nông sản trục lợi
Để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa của các địa phương, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội thông tin dịp sát Tết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên một số mặt hàng nông, thủy sản của các tỉnh khó khăn trong việc tiêu thụ.
Do đó, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa; trong đó hỗ trợ tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh tiêu thụ 300 tấn rau, củ quả tại hệ thống phân phối trên địa bàn Hà Nội và hệ thống phân phối của các doanh nghiệp Hà Nội tại các tỉnh, thành phố khác.
Ngoài ra, Hà Nội cũng hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đưa các sản phẩm thủy sản cá, hàu, tôm, ghẹ vào các hệ thống phân phối để tiêu thụ… phối hợp chia sẻ kinh nghiệm trong chuẩn bị, cung ứng tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn.
Đáng chú ý, Sở Công Thương Hà Nội vừa ban hành công văn gửi Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm; Ban quản lý chợ các quận nội thành Hà Nội đề nghị hỗ trợ tuyên truyền, kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm... của tỉnh Hải Dương.
Cụ thể, Sở Công Thương Hà Nội yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở giết mổ gia cầm thành phố Hà Nội chủ động kết nối với đầu mối thu gom, các trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh trên địa bàn thành phố Chí Linh (Hải Dương) khai thác, vận chuyển về Hà Nội tổ chức giết mổ, bao gói bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
Hỗ trợ tối đa các hoạt động, chi phí tổ chức các khâu như: Xét nghiệm gà lông, giết mổ, làm mát, đóng gói, tem nhãn, vận chuyển từ trang trại về nhà máy và từ nhà máy đến nơi tiêu thụ… phục vụ cho hoạt động chế biến, tiêu thụ trong năm 2021 đồng thời chủ động phối hợp cùng Sở Công Thương Hà Nội kết nối, đưa thành phẩm gà đồi Chí Linh đã giết mổ, sơ chế tiêu thụ tại các các siêu thị, chuỗi thực phẩm, nhà hàng, tổ chức đoàn thể chính trị… trên địa bàn thành phố.
Riêng chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ, Sở Công Thương yêu cầu tăng cường thông tin đầu mối, danh sách đơn vị, trang trại, hộ chăn nuôi gà đồi Chí Linh đến các tiểu thương kinh doanh mặt hàng gia cầm tại chợ để hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm.
Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị Sở Công Thương Hải Dương và Ủy ban nhân dân thành phố Chí Linh giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị đầu mối thu gom gà đồi Chí Linh trong việc liên hệ, xuất bán và thực hiện các thủ tục với các đơn vị Hà Nội để tạo thuận lợi cho việc đưa sản phẩm về thị trường Hà Nội tiêu thụ. Bên cạnh đó, Các cơ quan chức năng của Hải Dương chịu trách nhiệm bảo đảm công tác phòng chống dịch đối với sản phẩm hàng hóa, phương tiện vận chuyển và người vận chuyển khi lưu thông hàng hóa về Hà Nội theo quy định.
Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm: Thực hiện chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ về việc hỗ trợ tỉnh Hải Dương tiêu thụ nông sản, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối 32 doanh nghiệp thương mại, 34 chợ của Hà Nội với 59 đơn vị sản xuất thu mua sản phẩm của Hải Dương.
Với các điểm người dân tự tổ chức bán nông sản giúp bà con Hải Dương, Sở Công Thương đã có văn bản gửi các quận, huyện đề nghị rà soát, bố trí cho người dân các vị trí bán nông sản bảo đảm giao thông, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và phải truy xuất được nguồn gốc, tránh việc đội lốt nông sản Hải Dương để trục lợi./.