Hà Nội: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30.380 tỷ trong tháng 1-2019
Trong tháng 1-2019, Hà Nội có tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 49.630 tỷ đồng, tăng 5,5% so tháng trước và tăng 11,8% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30.380 tỷ đồng...
Theo Cục Thống kê TP Hà Nội, từ đầu năm 2019, trong tháng 1, Hà Nội đã đạt được một số kết quả tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn vốn ngân sách đạt 2.965 tỷ đồng, tăng 39,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 11,6% so cùng kỳ năm trước; trị giá xuất khẩu tăng 7,3% so với cùng kỳ; trị giá nhập khẩu tăng 1,8% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động vận tải tăng 16,1%; khách du lịch đến Hà Nội tăng 9,9%; thu ngân sách Nhà nước tăng 11,1% so cùng kỳ năm 2018.
Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tháng 1 đạt 49.630 tỷ đồng tăng 5,5% so tháng trước và tăng 11,8% so cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 30.380 tỷ đồng tăng 7% so tháng trước và tăng 15,1% so cùng kỳ.
Để đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn Thành phố đã xây dựng kế hoạch dự trữ và sản lượng hàng hóa phục vụ Tết.
Trong dịp Tết cổ truyền, nhu cầu tiêu thụ gạo sẽ tăng từ 5 đến 7%, thịt lợn 18 - 20%, thịt bò tăng 15%, thịt gà tăng 20%, rau củ quả tăng 10 - 15%...
Tuy nhiên, khả năng sản xuất của doanh nghiệp Thủ đô chỉ đáp ứng 50 - 65% nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Hà Nội. Nhằm đảm bảo ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị hàng hóa phục vụ người dân Tết Kỷ Hợi 2019 đạt 28.500 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết năm 2018.
Để người tiêu dùng mua được hàng bảo đảm chất lượng, đúng giá, Hà Nội tổ chức bán hàng phục vụ Tết tại 22 trung tâm thương mại, 125 siêu thị, 454 chợ, hệ thống, trên 600 cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh mặt hàng nông sản thực phẩm, 350 chuyến bán hàng lưu động, 10 phiên chợ Việt tại các quận, huyện, thị xã, khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ nhu cầu của người dân và người lao động.
Đặc biệt, Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn vay của 3 tổ chức tín dụng với tổng số vốn lên đến 2.700 tỷ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp bình ổn giá dịp Tết.
Cùng với việc đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, công tác quản lý thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được Thành phố Hà Nội đẩy mạnh...