Hà Nội: Độc lạ lễ rước 'ông lợn' hàng trăm cân ở xã La Phù

Chiều 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng âm lịch), những thanh niên trai tráng của làng La Phù trong trang phục nhiều màu đỏ đã dẫn đầu đoàn người đưa 'ông lợn' về đình tế thành hoàng làng.

Phần hội của lễ hội làng La Phù diễn ra từ tầm chiều tối 13 tháng Giêng, những “ông lợn” được đặt lên kiệu có chăng hoa kết đèn, bắt đầu đi từ các thôn ra đường lớn dẫn tới đình thờ thành hoàng làng. Trên suốt đoạn đường rước, các nam thanh nữ tú trong làng sẽ khua chiêng múa trống để chào đón và mở đường cho “ông lợn”.

 Đoàn người rước "ông lợn" ra đình (Ảnh: Hồng Ngọc/ Vietnam+)

Đoàn người rước "ông lợn" ra đình (Ảnh: Hồng Ngọc/ Vietnam+)

Khoảng 21h30 ngày 13 tháng Giêng, những hương thân phụ lão trong đội khánh tiết sẽ bắt đầu phần lễ. Tuy nhiên, đến khoảng 0h, các “ông lợn” mới bắt đầu được tế. Việc tế lễ sẽ diễn ra cho tới 1-2h sáng hôm sau. Sau đó, các “ông lợn” sẽ được khiêng về chia cho cả làng. Người dân coi đó là việc hưởng lộc từ thành hoàng.

 Một "ông lợn" được che lọng ngồi kiệu đến đình thờ thành hoàng làng (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Một "ông lợn" được che lọng ngồi kiệu đến đình thờ thành hoàng làng (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã La Phù Nguyễn Hữu Huynh cho biết: “Để đảm bảo lễ hội được diễn ra văn minh, an toàn, thành công, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ủy ban xây dựng công tác bảo vệ, báo cáo cơ quan huyện tăng cường lực lượng hỗ trợ đồng thời chính quyền cũng thành lập đoàn về các thôn, các nhà tu lễ để đảm bảo an toàn thực phẩm”.

Cứ tháng Hai hàng năm, mỗi thôn sẽ chọn 1-2 chú lợn cân đối để làm vật tế cho năm sau. Trong năm, những chú lợn này sẽ được cả thôn góp tiền chăm sóc.

Người dân làng La Phù gọi những chú lợn này là “ông lợn” và được nuôi theo chế độ ăn đặc biệt bằng gạo và cháo, mùa Hè được quạt mát, mùa Đông được mắc màn để giữ ấm. Những "ông lợn" này được tắm rửa thường xuyên và chăm sóc kỹ lưỡng nên cân nặng có thể lên tới 200kg. Người dân các thôn sẽ trang trí giấy màu, kết hoa quanh người “ông lợn” sau đó mới đặt ông lên kiệu để chuẩn bị cho phần hội trong lễ hội làng La Phù.

 Công đoạn trang trí "ông lợn" thường mất 2-3 tiếng đồng hồ (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Công đoạn trang trí "ông lợn" thường mất 2-3 tiếng đồng hồ (Ảnh: Hồng Ngọc/Vietnam+)

Ông Tạ Văn Ngọc, người dân thôn Tiền Phong II, xã La Phù cho biết ông rất tự hào vì là người chăm sóc “ông lợn” trong suốt một năm qua. Ông đã thức dậy từ 3h sáng ngày 13 tháng Giêng để chuẩn bị lợn cho lễ tế. Từng tấm giấy màu, hoa, đèn chăng lên đầu, đuôi và thân “ông lợn” đều được chuẩn bị nửa tháng qua.

Lễ hội làng La Phù không chỉ là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ công ơn chống giặc ngoại xâm của cha ông mà thông qua nghi lễ rước lợn còn gửi gắm những mong ước về một năm mới sung túc, bình an và may mắn./.

Đây là lễ hội truyền thống thường niên của địa phương. Tương truyền, vào thời Hùng Vương thứ 18, một vị anh hùng của làng đã cho mổ lợn, thổi xôi khao quân trước khi lên đường đánh giặc. Vị lạc tướng sau này được tôn là thành hoàng làng Tĩnh Quốc Tam Lang. Người dân để tưởng nhớ công ơn hàng năm đã tổ chức rước và dâng lên thành hoàng những chú lợn khổng lồ. Năm 1988, đình thờ thành hoàng làng La Phù được xếp hạng Di tích Quốc gia.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/ha-noi-doc-la-le-ruoc-ong-lon-hang-tram-can-o-xa-la-phu-post928991.vnp