Hà Nội đối mặt với mưa lớn sau khi bão số 3 suy yếu

Cơn bão số 3 đã chính thức suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và tiếp tục giảm cường độ, trở thành một vùng áp thấp trên khu vực phía Tây Bắc Bộ vào sáng ngày 8/9/2024. Tuy nhiên, người dân Hà Nội vẫn cần đề cao cảnh giác vì thành phố sẽ phải đối mặt với đợt mưa lớn kéo dài trong những ngày tới.

Các lực lượng đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: Khánh Huy

Các lực lượng đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Ảnh: Khánh Huy

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, từ nay đến sáng 9/9, Hà Nội sẽ có mưa vừa đến mưa to kèm theo dông. Lượng mưa dự kiến sẽ dao động từ 50 đến 100mm tại hầu hết các quận nội thành và nhiều huyện ngoại thành. Riêng một số huyện như Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai và Thường Tín có thể đón nhận lượng mưa thấp hơn, từ 40 đến 70mm.

Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, mưa lớn kéo dài có thể gây ra nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu vực trũng thấp và đô thị, khi hệ thống thoát nước có thể bị quá tải. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân mà còn có thể gây ra tình trạng ách tắc giao thông do ngập úng đường. Người điều khiển phương tiện cần đặc biệt chú ý khi lưu thông trên đường, vì tầm nhìn sẽ bị hạn chế và mặt đường trơn trượt dễ dẫn đến tai nạn.

Đáng chú ý, các huyện miền núi như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai có khả năng gây ra sạt lở đất do mưa lớn kéo dài. Trong khi đó, mực nước sông lên cao có nguy cơ xảy ra sạt lở đất ven sông, ngập lụt các vùng trũng thấp, các bãi nổi giữa sông, ảnh hưởng đến an toàn đối với các tuyến đê vùng ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Đáy, sông Bùi, sông Tích, sông Cà Lồ và vùng trũng, ven sông một số khu vực thuộc huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất, Đông Anh, Sóc Sơn, quận Long Biên, quận Hà Đông…

Lũ, ngập lụt, lũ quét sạt lở đất có thể ảnh hưởng đến con người, một số khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản, nông nghiệp và sinh hoạt, giao thông của người dân.

Ngoài ra, mưa lớn còn có thể kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét và gió giật mạnh làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa và các công trình hạ tầng. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, mưa lớn có thể gây ngập úng cây trồng, làm đất trở nên bão hòa nước, hoặc làm cây bị đổ gây thiệt hại cho mùa màng.

Minh Nhật

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-doi-mat-voi-mua-lon-sau-khi-bao-so-3-suy-yeu-393978.html