Hà Nội: đổi mới và hội nhập, vươn tới những tầm cao mới trong đối ngoại

Với những thành tựu đối ngoại đạt được trong năm 2024, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, góp phần xây dựng một Thủ đô văn minh, hiện đại và hội nhập.

Chiều 15/1, Sở Ngoại vụ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị Triển khai công tác đối ngoại thành phố năm 2025.

Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên ... cùng lãnh đạo các sở, cơ quan trực thuộc thành phố, Thành đoàn Hà Nội và UBND các cấp quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Sở Ngoại vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai công tác đối ngoại thành phố năm 2025 chiều 15/1. Ảnh: Việt Anh

Sở Ngoại vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị Triển khai công tác đối ngoại thành phố năm 2025 chiều 15/1. Ảnh: Việt Anh

Một Hà Nội đổi mới, sáng tạo trong đối ngoại

Phát biểu khai mạc hội nghị, Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hà Nội Ngô Minh Hoàng đã trình bày báo cáo Báo cáo Tổng kết công tác đối ngoại năm 2024 – phương hướng nhiệm vụ công tác đối ngoại năm 2025 của thành phố.

Theo Giám đốc Ngô Minh Hoàng, Hà Nội đã thực hiện công tác đối ngoại một cách đồng bộ và toàn diện trong năm 2024, dựa trên 3 trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân.

"Thành phố đã tổ chức 17 đoàn công tác, trong đó có 11 đoàn do lãnh đạo thành phố dẫn đầu và 6 đoàn tháp tùng các đoàn của Đảng và Nhà nước", bà Ngô Minh Hoàng cho biết. "Ngoài ra, Hà Nội cũng tiếp đón 65 đoàn khách quốc tế từ nhiều quốc gia, ký kết 8 thỏa thuận hợp tác quốc tế, nổi bật là quan hệ hữu nghị với tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) và tỉnh Gyeonggi (Hàn Quốc), đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với thủ đô Ulanbataar (Mông Cổ) và thành phố Fukuoka (Nhật Bản)".

Ngoài ra, nhiều hoạt động văn hóa đã được tổ chức trong năm qua, như Lễ hội văn hóa Balade en France, Ngày văn hóa Pháp, Con đường Hàn Quốc, Hương vị nước Úc, hay Lễ hội Oktoberfest ... Sự phối hợp với các cơ quan Trung ương cũng đạt hiệu quả cao.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hà Nội Ngô Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Giám đốc Sở Ngoại vụ Thành phố Hà Nội Ngô Minh Hoàng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Tuy nhiên, công tác đối ngoại của thành phố cũng gặp phải một số khó khăn như tình hình kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến dự án đầu tư tại nước ngoài. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò của đối ngoại chưa đồng đều, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và việc chuyển đổi số chưa tương xứng với tiềm năng của thành phố.

Theo bà Ngô Minh Hoàng, trong năm 2025, với nhiều sự kiện quan trọng như Đại hội Đảng lần thứ 14, công tác đối ngoại của Hà Nội sẽ tập trung vào việc thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế, đổi mới ngoại giao văn hóa, mở rộng hợp tác khoa học công nghệ, và phát huy vai trò của đối ngoại Nhân dân.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội cũng đề xuất một số kiến nghị như tăng cường định hướng từ Bộ Ngoại giao, hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến đối ngoại, đào tạo cán bộ, và hỗ trợ nguồn lực cho các quận, huyện trong triển khai hoạt động đối ngoại.

Hà Nội và Bộ Ngoại giao: Đồng hành vì một Thủ đô hội nhập

Đánh giá về công tác đối ngoại của Hà Nội trong năm 2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã giành lời khen ngợi lãnh đạo thành phố về sự chủ động, sáng tạo và đồng bộ trong triển khai các nhiệm vụ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, thành phố đã phối hợp hiệu quả với Bộ Ngoại giao, "tổ chức nhiều đoàn ra và đón tiếp các đoàn vào cấp cao, góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế". Bên cạnh đó, Hà Nội không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động ngoại giao văn hóa mà còn chú trọng đến việc bảo tồn và quảng bá di sản.

Nhìn về năm 2025, Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cho biết Hà Nội sẽ tổ chức nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 80 năm ngày Quốc Khánh cùng các hoạt động kỷ niệm năm chẵn, năm tròn của nhiều đối tác quốc tế. Ngoài ra, thành phố sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng Kotag và một số hội nghị quốc tế khác. Điều này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để đảm bảo thành công.

Bà Lê Thị Thu Hằng tin tưởng rằng, định hướng hợp tác giữa Hà Nội và Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục được củng cố. Bộ Ngoại giao cam kết sẽ hỗ trợ Hà Nội trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại phù hợp với chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, đồng thời cung cấp thông tin và tư vấn chính sách để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa và du lịch.

"Mỗi người dân Thủ đô cũng phải góp phần làm đối ngoại"

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ rõ, với vai trò là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, Hà Nội mang trong mình trọng trách lớn trong công tác đối ngoại. Đây không chỉ là "bộ mặt" mà còn là "cánh tay nối dài" cho công tác đối ngoại cấp Trung ương. Do đó, sự coi trọng và nâng cao yêu cầu đối với công tác này ngày càng tăng.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Anh

Theo Chủ tịch Trần Sỹ Thanh, Hà Nội những năm qua ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực đối ngoại. Thành phố đã tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế, tiếp đón hàng trăm lượt du khách quốc tế, và mở rộng quan hệ hợp tác với các địa phương, tổ chức, cá nhân ở nước ngoài. Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Hà Nội cũng không ngừng nâng cao trình độ và năng lực, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Trong đó, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chưa thực sự chặt chẽ, một số hoạt động chưa đạt hiệu quả cao, và nguồn lực cho công tác này vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Để vượt qua những hạn chế, cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao từ cấp ủy và chính quyền, tăng cường phối hợp giữa các đơn vị, và bố trí nguồn lực một cách hợp lý và đầy đủ.

Hơn nữa, Chủ tịch Trần Sỹ Thanh lưu ý trách nhiệm trong công tác đối ngoại không chỉ dừng ở các cơ quan chức năng mà sẽ là toàn bộ hệ thống từ lãnh đạo đến người dân. "Mỗi người dân Thủ đô cũng phải góp phần làm đối ngoại, đặc biệt trong bối cảnh thành phố đang thay đổi về hình hài, đây là một trọng trách lớn,” Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội Phạm Quí Tiên trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các đơn vị đóng góp xuất sắc trong công tác đối ngoại năm 2024. Ảnh: Việt Anh

Phó Chủ tịch HĐND Hà Nội Phạm Quí Tiên trao Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố cho các đơn vị đóng góp xuất sắc trong công tác đối ngoại năm 2024. Ảnh: Việt Anh

Cũng tại hội nghị, lãnh đạo các sở, UBND địa phương, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị đã trình bày các tham luận, nêu ý tưởng nâng cao công tác đối ngoại của thành phố. Bên cạnh đó, những cá nhân có đóng góp xuất sắc trong công tác đối ngoại năm 2024 được trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Ngoại giao Việt Nam” của Bộ Ngoại giao và Bằng khen của Chủ tịch UBND Thành phố.

Với sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và sự tham gia tích cực của toàn thể người dân, Hà Nội sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đối ngoại, góp phần vào sự phát triển toàn diện của thủ đô và đất nước.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-doi-moi-va-hoi-nhap-vuon-toi-nhung-tam-cao-moi-trong-doi-ngoai.html