Hà Nội: Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm
Hà Nội rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế-xã hội,
Báo cáo tại cuộc làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội sáng nay (20/4), Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, quý I/2020, tăng trưởng kinh tế được duy trì, song hầu hết các chỉ tiêu đạt thấp hơn so với cùng kỳ.
Trong quý I, GRDP của Hà Nội giữ được mức tăng 3,72% nhờ duy trì tốt nhóm ngành công nghiệp - xây dựng với mức tăng 5,46% (trong đó xây dựng đạt 6,35%) và nhóm ngành dịch vụ đạt 3,20% do trong tháng 1 và tháng 2 chưa bị tác động mạnh bởi dịch.
Sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký ngừng hoạt động tăng 36%, số lao động thất nghiệp đến nộp hồ sơ để hưởng bảo hiểm thất nghiệp tăng 22,2% so với cùng kỳ.
Một số lĩnh vực ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh và có cơ hội phát triển như: Sản phẩm công nghiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin. Nhiều lĩnh vực giảm mạnh như du lịch; vận tải; xuất, nhập khẩu. Riêng sản xuất nông nghiệp giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, tuy nhiên ít bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, vẫn có cơ hội phát triển trong năm 2020.
Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh
Căn cứ kịch bản tăng trưởng của cả nước, tình hình và kết quả của các ngành, lĩnh vực trong 3 tháng đầu năm, thành phố Hà Nội dự báo và xây dựng các kịch bản để phấn đấu đạt được mục tiêu cao nhất theo Nghị quyết của Đảng bộ Thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, để triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi kinh tế, Hà Nội tiếp tục các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nguồn lực để bố trí đủ kinh phí cho đầu tư phát triển như kế hoạch vốn đã giao đầu năm, phấn đấu không phải cắt giảm chi cho đầu tư phát triển.
Trên cơ sở các kịch bản tăng trưởng năm 2020, dự báo hết quý II/2020, dịch bệnh mới được kiểm soát, thu ngân sách trên địa bàn Hà Nội ước hụt thu khoảng 36.000-39.000 tỷ đồng; trong đó thu ngân sách địa phương ước hụt thu 10.000-12.000 tỷ đồng. Chính vì vậy, Hà Nội đã đưa ra giải pháp bù đắp phần thiếu hụt ngân sách nêu trên bằng cách tiết kiệm chi thường xuyên trên 5% (ngoài tiết kiệm chi 10% từ đầu năm), sử dụng nguồn ngân sách kết dư, quỹ dự trữ tài chính (không cắt giảm đầu tư công).
Hà Nội cũng rà soát cụ thể, chi tiết từng dự án đầu tư công, xác định rõ khó khăn, vướng mắc để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh thủ tục, thi công, giải ngân, tạo vốn thực hiện kích cầu phát triển kinh tế-xã hội, trong đó tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân các dự án, trọng tâm là các dự án nông nghiệp, giáo dục, y tế, bảo đảm an sinh xã hội; các dự án khởi công, hoàn thành chào mừng Đại hội Đảng bộ Thành phố và Đại hội Đảng toàn quốc. Đôn đốc quyết liệt các công trình trọng điểm; tập trung tháo gỡ khó khăn tối đa cho các dự án ODA, dự án vốn đầu tư nước ngoài, đầu tư ngoài ngân sách để đẩy mạnh kích cầu đầu tư.
Một giải pháp khác là cải cách triệt để các thủ tục hành chính, cụ thể là đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết, nhất là thủ tục hành chính liên thông; mở rộng các dịch vụ công trực tuyển mức độ 4 gắn với tuyên truyền để Nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ; đơn giản các thủ tục cho vay sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm; phân bổ và đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn cho vay, giải quyết việc làm phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân và cho vay giải quyết việc làm đối với người nghèo và các đối tượng chính sách...
Kiến nghị cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong thực hiện xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo quy định tại điều 89 Luật Đầu tư công.
Cụ thể Luật quy định: “Việc quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch đầu tư công liên tiếp phải đảm bảo tổng số giá trị tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn trước". Do Luật Đầu tư 2019 mới có hiệu lực từ 1/1/2020 trong khi danh mục dự án đang thực hiện đã có trong danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt từ các năm trước đây. Để bảo đảm nguồn lực triển khai các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố, nhất là các công trình trọng điểm, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành quan tâm báo cáo Chính phủ trình Quốc hội về: Quyết định hỗ trợ ngân sách Trung ương cho ngân sách Thủ đô để triển khai thực hiện cho từng dự án thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi theo quy định tại Điều 21 Luật Thủ đô; nâng tỉ lệ ngân sách Thành phố được giữ lại hiện nay là 35% lên thành 42% cho thời kỳ ốn định ngân sách mới (2021-2025) để bảo đảm nguồn lực phát triển Thủ đô.
Ngoài ra, Thành phố kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội được áp dụng cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất. Cho phép thành phố Hà Nội thực hiện rà soát, lựa chọn danh mục một số công trình cấp bách, cần thiết trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 và có tác động lan tỏa trong việc phát triển kinh tế xã hội thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, ùn tắc giao thông.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-don-doc-quyet-liet-cac-cong-trinh-trong-diem-381821.html