Hà Nội dồn lực giải ngân cho các công trình trọng điểm, cấp bách

Hàng loạt công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Nội sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng trong 9 tháng năm 2024 đã góp phần đưa kết quả giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công của thành phố đạt gần 40% kế hoạch. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân này vẫn còn thấp so với cả nước, vì vậy trong quý còn lại của năm 2024, thành phố sẽ tập trung nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ giải ngân.

Cung thiếu nhi Hà Nội - một trong những công trình trọng điểm của TP. Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh tư liệu

Cung thiếu nhi Hà Nội - một trong những công trình trọng điểm của TP. Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025. Ảnh tư liệu

Nhiều công trình trọng điểm đã kịp thời về đích

Theo số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội (KH&ĐT), trong năm 2024, kế hoạch vốn đầu tư công TP. Hà Nội được giao là 81.033,18 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023. Lũy kế giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 của toàn thành phố đến ngày 30/9/2024 là 30.596 tỷ đồng, đạt 37,8% kế hoạch.

226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản cần triển khai trong năm 2024

Năm 2024, TP. Hà Nội có 226 dự án đầu tư công xây dựng cơ bản tập trung, trong đó: 155 dự án chuyển tiếp với mức đầu tư 205,5 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn năm 2024 là 24,4 nghìn tỷ đồng); có 71 dự án mới được khởi công xây dựng trong năm với tổng mức đầu tư 7,2 nghìn tỷ đồng (kế hoạch giải ngân vốn trong năm là 1,1 nghìn tỷ đồng). Lĩnh vực giao thông với 58 dự án, chiếm 19,5% kế hoạch vốn.

Đánh giá về kết quả giải ngân đầu tư công trên địa bàn thời gian qua, Sở KH&ĐT cho biết, tỷ lệ giải ngân của thành phố thấp hơn tỷ lệ trung bình của cả nước (ước đến hết tháng 9/2024 là 43% so với tổng kế hoạch và 47,3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), nhưng về giá trị giải ngân tuyệt đối đứng thứ 2 cả nước (sau Bộ Giao thông vận tải) và cao hơn cùng kỳ năm 2023 là 4.588 tỷ đồng. Lũy kế giải ngân kế hoạch năm 2023 đến ngày 30/9/2023 là 25.059 tỷ đồng, tương đương 47,2% kế hoạch năm 2023.

Trong quý III/2024, thành phố tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, các đơn vị thi công tăng cường nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án trọng điểm, phát triển hạ tầng, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội Thủ đô. Các dự án, công trình trọng điểm đang khẩn trương thi công, sớm hoàn thành các hạng mục theo kế hoạch đặt ra.

Ví dụ, Dự án đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô hiện nay đang được các địa phương tích cực triển khai bàn giao mặt bằng để thi công toàn bộ dự án đảm bảo tiến độ đã đề ra. Tính đến thời điểm này, tổng vốn đã đầu tư cho dự án khoảng 12,6 nghìn tỷ đồng, tiến độ thi công xây lắp đạt 10,8%. Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) có mức đầu tư giai đoạn 1 dự án hơn 7,2 nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, đến nay dự án đã giải ngân 37,8% kế hoạch vốn…

Đặc biệt năm nay, TP. Hà Nội đã triển khai khoảng 100 công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 75.000 tỷ đồng. Đến nay, kế hoạch đã hoàn thành 75%. Trong đó, có nhiều công trình trọng điểm đã kịp thời về đích nhằm nâng cao chất lượng đời sống, phát triển cơ sở hạ tầng đô thị. Hơn hết, những công trình này còn đánh dấu sự phát triển của TP. Hà Nội sau 70 năm giải phóng.

Điển hình, Dự án Cung Thiếu nhi Hà Nội được khởi công tháng 3/2021 với tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Ngày 21/9/2024, công trình đã khánh thành đi vào hoạt động, đây là một trong các công trình lớn chào mừng kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Dự án mở rộng đường Âu Cơ - Nghi Tàm, quận Tây Hồ sau hơn 4 năm thi công cũng chính thức về đích. Đoạn đường dài 3,7 km được mở rộng lên thành 4 - 6 làn xe kết nối khu vực trung tâm TP. Hà Nội đi Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và khu vực Tây Bắc của thành phố...

Tháo gỡ “nút thắt” về giải phóng mặt bằng

Tuy nhiên, TP. Hà Nội cũng nhận định, công tác giải ngân đầu tư công vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn làm chậm tiến độ thực hiện các dự án, khiến tỷ lệ giải ngân chưa cao, trong đó nguyên nhân chính là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Trung Hiếu cho hay, trong các khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, khó khăn về xác định nguồn gốc đất hiện nay chiếm tỷ lệ cao và là khó khăn khó giải quyết nhất. Việc này trách nhiệm thuộc quản lý nhà nước về đất đai của các địa phương dẫn đến khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, giải quyết đơn thư về đất đai...

Theo ông Lê Trung Hiếu, để tháo gỡ nút thắt này, ngay đầu tháng 10/2024, TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở KH&ĐT và các chủ đầu tư, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, xây dựng kế hoạch chuyên đề khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố.

Trong đó, từng dự án phân loại rõ từng khó khăn, vướng mắc và xác định cụ thể lộ trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng; trách nhiệm, nhiệm vụ của từng đơn vị trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng của dự án. Thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, bộ phận, đơn vị huy động sức mạnh tổng thể của cả hệ thống chính trị; các tổ chức, đoàn thể tại địa phương như Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận,… vào cuộc trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cùng với đó, thời gian tới thành phố tiếp tục tập trung đảm bảo chất lượng và tiến độ xây dựng các dự án lớn, công trình trọng điểm có tính đột phá và giá trị lan tỏa cao, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo thêm năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. Đồng thời, quan tâm thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp; dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp; các dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, tôn tạo di tích lịch sử... Những giải pháp này nhằm đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt mục tiêu đạt 95% theo kế hoạch năm 2024.

Tập trung toàn lực cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô

Thông tin về các dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại địa bàn Hà Nội, mới đây Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, thành phố đang tập trung toàn lực cho dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô nên chưa xác định nguồn vốn thực hiện đầu tư cầu Tứ Liên tại thời điểm này. Hà Nội đang cùng lúc triển khai nhiều dự án lớn như cầu: Mễ Sở, Hồng Hà (trên Vành đai 4), Vân Phúc, Ngọc Hồi, Thượng Cát… Dự án nào hoàn thành chuẩn bị đầu tư trước thì triển khai trước để tận dụng hiệu quả nguồn vốn.

Ngoài ra, sau bão Yagi, Hà Nội đang phải tập trung xử lý một loạt công trình cầu yếu, cầu tạm. Do đó, những dự án khác như cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo..., khâu chuẩn bị đầu tư chưa xong, việc cấp tập xây mới những cây cầu này phải có lộ trình tính toán kỹ vì dự án đang sử dụng vốn ngân sách.

Như vậy, trong số các công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai trên địa bàn Hà Nội, đường Vành đai 4 là công trình được thành phố đặc biệt ưu tiên triển khai trong giai đoạn hiện tại, bởi đây là dự án trọng điểm quốc gia. Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sau gần một năm thi công khẩn trương, hiện dự án đường song hành đã đạt sản lượng 30%, phần lớn dự án đang làm móng, mặt đường, nhiều đoạn đã được thảm bê tông nhựa để hoàn thiện. Dự án có kế hoạch dự kiến hoàn thành vào quý IV/2025, vượt tiến độ 1 năm.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/ha-noi-don-luc-giai-ngan-cho-cac-cong-trinh-trong-diem-cap-bach-161557.html