Hà Nội dồn lực ổn định đời sống người dân bị lũ cô lập

Ngày 31-7, hơn nghìn hộ dân thuộc các huyện: Chương Mỹ, Quốc Oai vẫn bị cô lập vì nước lũ sông Tích, sông Bùi rút chậm. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục dồn lực hỗ trợ người dân vượt lũ, ổn định đời sống...

Bảo đảm phương châm “4 tại chỗ”

Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra tình hình úng ngập ở xã Cấn Hữu. Ảnh: Hoàng Sơn

Lãnh đạo huyện Quốc Oai kiểm tra tình hình úng ngập ở xã Cấn Hữu. Ảnh: Hoàng Sơn

Xóm Bến Vôi (thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu) được mệnh danh là “ốc đảo” của huyện Quốc Oai. Ngày 31-7, khắp các tuyến đường đều mênh mông nước. Ông Nguyễn Văn Hái, người dân xóm Bến Vôi cho biết: “Tôi năm nay đã hơn 70 tuổi và có chừng đó thời gian gắn bó với xóm Bến Vôi này. Do là vùng trũng thấp, nên năm nào xóm cũng bị ngập lụt 1-2 lần”.

Chia sẻ về tình hình ngập lụt ở địa phương, Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Tiến Dũng cho biết, xóm Bến Vôi có 121 hộ dân bị úng ngập gần 1 tuần nay. Tuy nhiên, do được đầu tư nâng cấp tuyến đường nối xóm với trung tâm xã cao hơn nên người dân ở đây vẫn có thể di chuyển chậm bằng cách đi bộ, hoặc đi xe máy từ xóm vào trung tâm xã.

“Từ khi xảy ra ngập úng, chính quyền địa phương đã áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, không để một ai bị rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”", Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu khẳng định.

Nước lũ sông Bùi ở mức cao, người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Bảo Châu

Nước lũ sông Bùi ở mức cao, người dân xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bị cô lập, phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: Bảo Châu

Tại huyện Chương Mỹ ngày 31-7, bốn thôn: Nhân Lý, Nam Hài, Hạnh Côn, Hạnh Bồ của xã Nam Phương Tiến vẫn bị nước cô lập. Đường vào các thôn này bị ngập sâu, có vị trí tới gần 1m. Tuyến đường liên xã Tân Tiến - Nam Phương Tiến cao hơn, trở thành điểm tập kết hàng cứu trợ.

Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, tính đến 15h chiều nay, 798 hộ dân với 3.784 nhân khẩu thuộc 4 thôn nêu trên vẫn bị nước lũ cô lập. Thực hiện triệt để phương châm “4 tại chỗ”, xã đã huy động 250 người (trong đó có 150 cán bộ, chiến sĩ quân đội, 100 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai của địa phương) và các phương tiện hỗ trợ người dân di chuyển người, tài sản từ nơi úng ngập đến vùng cao an toàn; vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ của các cấp, các ngành đến các hộ dân bị nước lũ cô lập…

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Nam Phương Tiến hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Châu

Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai xã Nam Phương Tiến hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Ảnh: Bảo Châu

Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, ông Nguyễn Hữu Phê (70 tuổi, ở xóm Giàu, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến) và người dân địa phương bày tỏ xúc động khi được nhiều lãnh đạo Chính phủ, thành phố Hà Nội, huyện Chương Mỹ… đã vượt lũ trực tiếp đến thăm hỏi, chia sẻ khó khăn, tặng quà động viên trong những ngày vừa qua.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu, tính đến 15h ngày 31-7, trên địa bàn huyện vẫn còn 1.480 hộ dân ở 20 thôn, xóm thuộc 13 xã, thị trấn bị úng ngập từ 0,5 đến 2m.

Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu và quà cứu trợ đến người dân vùng bị nước lũ cô lập. Ảnh: Bảo Châu

Xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nhu yếu phẩm thiết yếu và quà cứu trợ đến người dân vùng bị nước lũ cô lập. Ảnh: Bảo Châu

Để ứng phó các tình huống thiên tai, hỗ trợ người dân vùng lũ ổn định đời sống, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.721 người, 199 phương tiện (trong đó có 450 cán bộ, chiến sĩ và 17 phương tiện của đơn vị quân đội) hỗ trợ người dân di chuyển người và tài sản từ vùng úng ngập đến nơi an toàn; phân luồng giao thông, không để người và phương tiện đi qua khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, bảo vệ tài sản của người dân.

Cùng với nhiệm vụ trên, huyện đã huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân vùng úng ngập 3.701 thùng mì tôm, 100 gói lương khô, 65 thùng sữa tươi, 3.010 bình nước uống, 820 chai nước mắm, tặng 601 suất quà bằng tiền mặt với tổng số gần 172 triệu đồng; 1.800 quả trứng gà, 100 lít dầu thắp sáng, 1.000 gói thuốc nhỏ mắt, chữa bệnh ngoài da, tiêu chảy, khử khuẩn nguồn nước…

Tiếp tục ứng trực, sẵn sàng ứng phó các tình huống thiên tai

Mực nước sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ duy trì ở mức trên báo động lũ cấp III trong nhiều ngày qua. Ảnh: Bảo Châu

Mực nước sông Bùi, đoạn huyện Chương Mỹ duy trì ở mức trên báo động lũ cấp III trong nhiều ngày qua. Ảnh: Bảo Châu

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ cho biết, lũ trên các sông: Tích, Bùi, Đáy, đoạn qua các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức đang rút chậm. Cụ thể, lúc 13h ngày 31-7, mực nước sông Bùi tại huyện Chương Mỹ là 7,11m, vượt mức báo động lũ cấp III là 0,11m; sông Tích tại huyện Quốc Oai là 8,1m, vượt báo động lũ cấp III là 0,1m… Dự báo 13h ngày mai (1-8), lũ trên sông Tích xuống mức 7,95m, dưới báo động lũ cấp III là 0,05m; còn sông Bùi xuống mức 6,85m, dưới báo động lũ cấp III là 0,15m.

Cơ quan trên cảnh báo, lũ các sông: Tích, Bùi ở mức cao trong nhiều ngày không chỉ kéo dài thời gian úng ngập khu dân cư ven sông mà còn tạo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đe dọa an toàn các tuyến đê, gia tăng rủi ro thiên tai, phát sinh dịch bệnh…

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức kiểm tra công tác khắc phục sự cố đê hữu Bùi, đoạn xã Tốt Động. Ảnh: Bảo Châu

Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức kiểm tra công tác khắc phục sự cố đê hữu Bùi, đoạn xã Tốt Động. Ảnh: Bảo Châu

Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đỗ Hoàng Anh Châu khẳng định, đến thời điểm này, gần 15km đê tả Bùi, đoạn qua huyện Chương Mỹ vẫn an toàn. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn tuyến đê đặc biệt quan trọng này, huyện Chương Mỹ yêu cầu các đơn vị, địa phương vùng tả sông Bùi tiếp tục ứng trực 100% lực lượng, tăng cường tuần tra, kịp thời xử lý sự cố đê điều, thủy lợi ngay từ giờ đầu.

Đối với 13 xã, thị trấn vùng hữu sông Bùi, huyện Chương Mỹ yêu cầu, tiếp tục cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc men phòng, chống dịch tả, đau mắt hột và các bệnh ngoài da cho người dân bị úng ngập; phối hợp các cơ quan, đơn vị cung cấp hàng cứu trợ, bảo đảm đời sống người dân; tăng cường lực lượng ứng trực bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản của nhân dân...

Sau khi nước rút, huyện Chương Mỹ chỉ đạo ngành điện rà soát, kịp thời cấp điện sinh hoạt an toàn cho các hộ dân, hỗ trợ bóng điện và dây điện cho những hộ khó khăn; triển khai phương án vệ sinh môi trường, phục hồi sản xuất…

Ngày 31-7, Công an thành phố Hà Nội vượt "biển nước" đến tặng quà động viên các thôn của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bị nước lũ cô lập. Ảnh: Bảo Châu

Ngày 31-7, Công an thành phố Hà Nội vượt "biển nước" đến tặng quà động viên các thôn của xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) bị nước lũ cô lập. Ảnh: Bảo Châu

Xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) huy động lực lượng vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút. Ảnh: Bảo Châu

Xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) huy động lực lượng vệ sinh môi trường ngay khi lũ rút. Ảnh: Bảo Châu

Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cho biết, bên cạnh các phương án bảo đảm an toàn đê điều, huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương cung cấp đủ nhu yếu phẩm hỗ trợ người dân vùng bị ngập; trong đó, chú trọng về an toàn thực phẩm, cung cấp nước uống đầy đủ cho người dân. Trong trường hợp úng ngập nhiều ngày, huyện sẽ hỗ trợ các hộ dân bình và bếp gas mini để sử dụng; kêu gọi các cơ quan, đoàn thể trong huyện và thành phố hỗ trợ gạo, thực phẩm, đồ khô và rau xanh để cung cấp cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Trường Sơn, sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng quân đội, công an, đoàn thanh niên tổng vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, xác động vật chết; bố trí tổ y tế dự phòng khử khuẩn môi trường, cung cấp thuốc trị bệnh ngoài da, đau mắt đỏ… cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Kim Nhuệ - Hoàng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-don-luc-on-dinh-doi-song-nguoi-dan-bi-lu-co-lap-673540.html