Hà Nội dự kiến điều chỉnh vốn đầu tư công năm 2024

Phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được UBND thành phố chỉ đạo rà soát theo quy định và căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn, tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án.

Chiều 25/6, tại Hội nghị lần thứ XVIII Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong thời gian qua, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công của thành phố có tiến bộ.

Năm 2024, Trung ương giao kế hoạch vốn cho thành phố Hà Nội là hơn 81.000 tỷ đồng, cao hơn 1,72 lần so với năm 2023; đến ngày 15/6/2024, toàn thành phố giải ngân được hơn 17.000 tỷ đồng, đạt 21,2% kế hoạch, cao hơn lũy kế giải ngân cùng kỳ năm 2023 hơn 1.200 tỷ đồng và đứng thứ hai cả nước về giá trị tuyệt đối.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.

Phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được UBND thành phố chỉ đạo rà soát theo quy định và căn cứ vào khả năng hấp thụ vốn, tiến độ triển khai thực hiện của từng dự án. Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, thành phố đã chỉ đạo, các đơn vị đề nghị điều chỉnh kế hoạch vốn phải cam kết giải ngân hết 100% kế hoạch vốn sau để điều chỉnh, gồm cả điều chỉnh tăng và điều chỉnh giảm.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai có tổng kinh phí trên 8.100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, kế hoạch hoàn thành vào năm 2025. Tuy nhiên, sau hơn một năm rưỡi thi công, tiến độ đến nay mới chỉ đạt khoảng 20%. Nguyên nhân là do mới chỉ có trên 27% mặt bằng.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ cho hay: “Tháng 3 vừa rồi mới phê duyệt các dự án thành phần, chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức đấu thầu xây dựng các khu tái định cư. Do vậy, giải phóng mặt bằng ngoài đất công, đất nông nghiệp thì cần phải có thời gian. Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Ban quản lý giao thông tiến độ giải phóng mặt bằng, để trên cơ sở đó cập nhật, đăng ký, hấp thụ vốn cho phù hợp”.

Thực tế là một số dự án đã có vướng mắc trong nhiều năm, đến nay, vẫn đề xuất điều chỉnh giảm kế hoạch vốn đã được giao. Nhóm dự án này chủ yếu liên quan tới vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu: “Thành phố đã yêu cầu các chủ đầu tư phải nỗ lực triển khai, đồng thời, giao các sở chuyên ngành tiếp tục tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án”.

UBND thành phố đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc.

UBND thành phố đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc.

Phương án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2024 được UBND thành phố đề xuất theo nguyên tắc điều chỉnh giảm kế hoạch vốn của các dự án có vướng mắc chưa khắc phục được.

- Điều chỉnh tăng kế hoạch vốn cho các dự án có khả năng thực hiện và giải ngân cao hơn so với kế hoạch vốn đã giao năm 2024.

- Các dự án được cấp có thẩm quyền điều chỉnh thời gian thực hiện dự án, đảm bảo điều kiện bố trí vốn theo quy định để triển khai.

- Các dự án mới đã có trong kế hoạch của thành phố nay đủ thủ tục, điều kiện bố trí vốn theo quy định, cần bố trí kế hoạch vốn để thi công thực hiện.

- Đối với nguồn ngân sách trung ương trong nước, thành phố điều hòa kế hoạch vốn giữa các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng dự án thành phần 1.1 của xây dựng Vành đai 4 Thủ đô.

- Đối với nguồn ngân sách thành phố trong nước, điều chỉnh giảm trên 2.500 tỷ đồng của các nhiệm vụ, nguồn vốn bao gồm; 29 dự án cấp thành phố; 32 dự án ngân sách thành phố hỗ trợ mục tiêu.

Để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị cho kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, tại kỳ họp HĐND thành phố tháng 7 tới đây, UBND thành phố trình HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư 8 dự án nhóm B sử dụng toàn bộ ngân sách cấp thành phố với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 4 nghìn tỷ đồng.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/ha-noi-du-kien-dieu-chinh-von-dau-tu-cong-nam-2024-246045.htm