Hà Nội dự kiến khởi công đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm vào ngày 30/6
Hà Nội tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng trong suốt thời gian qua và hiện có từ 70% mặt bằng sạch trở lên đã sẵn sàng cho khởi công dự án đúng như kế hoạch vào ngày 30/6 tới.
Đây là khẳng định của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai Dự án tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với UBND các tỉnh và sở, ngành của các địa phương về mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án.
“Chúng tôi dự kiến khởi công đường Dự án đường Vành đai 4 tại 4 địa điểm. Ban Chỉ đạo hoan nghênh tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên cũng đang rất cố gắng để có thể khởi công. Hy vọng có thể khởi công trên toàn tuyến vào tháng 6 tới”, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho hay.
Về vấn đề mỏ vật liệu phục vụ thi công Dự án, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, sẽ báo cáo đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng địa bàn các tỉnh (ngoài Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có mỏ vật liệu đáp ứng yêu cầu có thể cung cấp phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4 được áp dụng cơ chế đặc thù như Nghị quyết số 60 ngày 16/6/2021 và Nghị quyết số 133 ngày 19/10/2021 của Chính phủ.
Đồng thời kiến nghị cho phép nhà thầu bổ sung thực hiện xây lắp trong dự án thành phần 3 (đối tác công tư - PPP) cũng được hưởng các chính sách đặc thù liên quan đến vật liệu xây dựng như các nghị quyết nêu trên.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thống nhất giao cho tư vấn làm việc với Ban Chỉ đạo các tỉnh lên phương án về các mỏ vật liệu xây dựng phục vụ thi công Dự án đường Vành đai 4 về cụ thể từng mỏ, từng vị trí, công suất, sản lượng theo tiến độ. Trong đó, phải bảo đảm nguyên tắc ưu tiên các mỏ gần nhất, dễ khai thác nhất và quan trọng là giá rẻ nhất.
Về đề nghị của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội cho phép thay đất bằng cát trong thực hiện phương án đắp bao để bảo đảm sự chủ động nguồn vật liệu thi công ngay sau khi khởi công, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Tư vấn xem xét, thẩm định và đề xuất UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền.
Về tổng mức đầu tư dự án thành phần, Trưởng ban Chỉ đạo một lần nữa nêu rõ quan điểm đã thống nhất là căn cứ vào thực tế để tính toán, trường hợp vượt tổng mức dự toán ban đầu thì được phép sử dụng ngân sách địa phương. Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị tỉnh Hưng Yên đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, không chờ đợi quyết đáp về tổng mức đầu tư dự án thành phần 2.1.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định các dự án thành phần, nhất là các báo cáo đánh giá tác động môi trường mà các địa phương đã trình hồ sơ; lưu ý trong quá trình thực hiện, đặc biệt chú ý xác định chính xác nguồn gốc, diện tích đất, tránh để xảy ra sai sót.
Dự án đầu tư xây dựng Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 56 với chiều dài 112,8 km, đi qua địa bàn 3 tỉnh: TP Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh.
Dự án thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Hà Nội đã đặt mục tiêu khởi công dự án vào cuối tháng 6/2023.